Thứ bảy, 20/04/2024 12:06 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/09/2022 14:30 (GMT+7)

Bạc Liêu xây dựng chuỗi hợp tác xã lúa - tôm

Theo dõi KTMT trên

Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu tôm, lúa tập trung đạt chuẩn để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời cải thiện tình trạng hoạt động sản xuất nông nghiệp manh mún.

Mô hình sản xuất ít gây hại môi trường

Mô hình tôm - lúa được ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đánh giá là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững ở vùng chuyển đổi. Đây cũng là mô hình “thông minh” tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó quá trình sản xuất ít tác động xấu tới môi trường. Đồng thời, mức đầu tư cho mô hình này cũng phù hợp với đa số các hộ nông dân trong vùng.

Ở Bạc Liêu, mô hình lúa - tôm đã được nông dân áp dụng từ năm 2001. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất tôm - lúa khá nhanh, từ 5.851ha ban đầu đã tăng lên 39.578ha vào năm 2020.

Đến năm 2021, diện tích mô hình lúa - tôm tiếp tục phát triển và mở rộng, đạt 39.404ha, chiếm hơn 33% diện tích nuôi tôm trong tỉnh. Hiện mô hình này cho tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài Khu nông nghiệp (KNN) ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm mà Bạc Liêu đã và đang xây dựng, tỉnh còn tiến hành xây dựng nhiều cánh đồng tôm lớn, lúa lớn, hình thành phát triển các hợp tác xã (HTX) nuôi tôm, trồng lúa ở TP. Bạc Liêu, các huyện Hòa Bình, Đông Hải, Hồng Dân, Phước Long và TX. Giá Rai.

Bạc Liêu xây dựng chuỗi hợp tác xã lúa - tôm - Ảnh 1
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm sẽ giải quyết được bài toán sản xuất nông nghiệp mạnh mún (Ảnh minh họa).

Bạc Liêu cũng đã thành lập Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch với tổng 21 HTX thành viên, tính toán diện tích khoảng hơn 4.000ha. Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu, Ông Tạ Hoàng Nhiệm cho biết: “Việc xây dựng các cánh đồng tôm lớn thông qua HTX, Liên hiệp HTX là rất cần thiết, qua đó hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn để cung ứng cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu”.

Ngoài các cánh đồng lúa lớn, tôm lớn đang hoạt động, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh còn xây dựng, trình diễn nhiều mô hình để hình thành chuỗi giá trị liên kết.

Điển hình như mô hình canh tác tôm - lúa theo hướng tôm sạch, lúa an toàn gắn với liên kết chuỗi giá trên khu vực có diện tích 50ha; mô hình cộng đồng nuôi tôm bền vững theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp nuôi cua - cá với diện tích 40ha. Ngoài ra còn có các mô hình liên kết sản xuất - kinh doanh tôm - lúa theo hướng xanh,...

Liên kết chuỗi mô hình

Theo thống kê, trên toàn tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm được hơn 82.000ha lúa, chủ yếu ở các cánh đồng lớn. Nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu với các cánh đồng lớn như Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu, Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Cường, HTX Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp xanh...

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã tổ chức hợp tác bao tiêu sản phẩm với các HTX, từ đó hình thành vùng nguyên liệu tôm thương phẩm. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất khẩu Thiên Phú (TX. Giá Rai) đã liên kết với HTX Tiền Phong bao tiêu hàng trăm ha nuôi tôm theo quy trình sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, Công ty Thiên Phú đã thực hiện liên kết sản xuất với HTX Tiền Phong bao tiêu hơn 10 tấn tôm.

Ngoài những thành tựu nổi bật đạt được khi triển khai mô hình, theo đánh giá của các nhà khoa học, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt cung cấp cho các mô hình canh tác lúa - tôm luân canh không còn thuận lợi, điều kiện sinh thái vùng nuôi thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Do đó đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ cho toàn vùng, cần phải thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.

Theo PGS TS Dương Nhựt Long (Khoa Thủy sản trường Đại học Cần Thơ), mô hình sản xuất lúa - tôm cần được tính toán kỹ về tính ổn định. Quan trọng nhất là có xuất khẩu được sản phẩm hay không.

“Hiện nay, bà con mình đã trồng được lúa thơm, nuôi được tôm sạch nhưng vấn đề đầu ra cho các sản phẩm này còn rất bấp bênh, gần như bị động hoàn toàn trong việc xuất bán các sản phẩm mình làm ra. Cho nên, để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả và giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, ngành chức năng cần có giải pháp liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, TS Dương Nhựt Long chia sẻ.

Đồng thời, để có thể  xây dựng vùng nguyên liệu nông sản thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, HTX, doanh nghiệp, thì cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân sang hợp tác sản xuất an toàn, đạt chuẩn.

Liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các đơn vị thu mua nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Về xây dựng vùng nguyên liệu, các địa phương cần thực hiện xây dựng được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đào tạo nguồn nhân lực và quản trị cho các HTX, tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; định hướng cho các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi theo quy hoạch, truy xuất nguồn gốc để bảo đảm sản phẩm đạt các tiêu chuẩn phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như tạo nguồn hàng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Bạc Liêu xây dựng chuỗi hợp tác xã lúa - tôm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới