Australia phạt tàu nước ngoài đổ rác tại rạn san hô Di sản Thế giới
Tàu vận chuyển hàng Iron Gate mang cờ Liberia của công ty Kairasu Shipping S.A đã xả một thùng chứa đầy rác thực phẩm tại khu vực Rạn san hô Great Barrier sau khi có sự đồng ý của thuyền trưởng.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một tòa án ở Australia vừa phạt một công ty vận tải biển nước ngoài và thuyền trưởng của chiếc tàu thuộc công ty này vì tội xả rác thải trong khu vực Rạn san hô Great Barrier được xếp hạng Di sản Thế giới, ngoài khơi bang Queensland.
Cụ thể, hồi năm 2018, khi đang di chuyển giữa hai thành phố Brisbane và Gladstone, tàu vận chuyển hàng Iron Gate mang cờ Liberia của công ty Kairasu Shipping S.A đã xả một thùng chứa đầy rác thực phẩm tại khu vực trên sau khi có sự đồng ý của thuyền trưởng.
Hành động này đã bị Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) phát giác.
Vào ngày 26/2 vừa qua, Tòa án Sơ thẩm Brisbane đã kết tội giám đốc công ty Kairasu Shipping S.A và thuyền trưởng của chiếc tàu trên và buộc họ phải nộp phạt 6.600 đôla Australia (gần 5.200 USD).
Theo Tổng giám đốc AMSA, ông Allan Schwartz, chính quyền Australia đã áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với hành vi gây ô nhiễm từ các hoạt động vận chuyển.
Do đó, sau khi phát hiện hành vi vi phạm trong lần kiểm tra định kỳ tàu Iron Gate vào năm 2018, AMSA đã bắt giữ con tàu và sau đó buộc tội thuyền trưởng cũng như công ty Kairasu Shipping S.A.
Bản án nói trên sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty này và là lời nhắc nhở rằng bất cứ ai gây ô nhiễm ở Australia đều sẽ phải bồi thường.
Theo Đạo luật Bảo vệ Biển 1983, rác thực phẩm không được thải ra ngoài trong phạm vi 22 km tính từ ranh giới của khu bảo tồn Rạn san hô Great Barrier, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Trong khi đó, theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới Australia, rạn san hô này rất dễ bị tổn thương.
Trong 30 năm qua, rạn đã mất một nửa lớp phủ san hô cùng với hiện tượng hàng loạt sao biển bị chết do ô nhiễm và hiện tượng san hô bị tẩy trắng do tình trạng Trái Đất nóng lên.
Nguyễn Minh