Thứ bảy, 23/11/2024 01:42 (GMT+7)
Thứ tư, 21/09/2022 10:50 (GMT+7)

ASEAN nỗ lực hướng tới chuyển dịch năng lượng trong khu vực

Theo dõi KTMT trên

Việc phát triển các nguồn điện linh hoạt là yếu tố then chốt đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn phát điện chính ở khu vực Đông Nam Á. Từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đạt được các mục tiêu tại cam kết Net Zero.

Năng lượng tái tạo trở thành nguồn phát điện chính

Tập đoàn công nghệ toàn cầu Wärtsilä vừa công bố báo cáo Tái định hình ngành Năng lượng tại khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu chỉ ra, việc phát triển các nguồn điện linh hoạt chính là yếu tố then chốt giúp đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn phát điện chính ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng giảm phát thải khí nhà kính, đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero).

Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 40, Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (Irena) đã công bố ấn bản thứ hai của báo cáo Triển vọng năng lượng tạo tạo cho ASEAN: Hướng tới chuyển đổi năng lượng khu vực.

Theo đó, ASEAN cần phân bổ 200-245 tỷ đô la đầu tư mỗi năm vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, hiệu quả năng lượng cũng như các công nghệ và cơ sở hạ tầng liên quan trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. Từ đó, nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư trong khu vực nhờ mục tiêu tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Đồng thời trong cùng kỳ, ASEAN cần gần 200 tỷ đô la để đầu tư vào lưới điện và triển khai 13 triệu ô tô điện cùng 3,7 triệu trạm sạc. Đến năm 2050, ASEAN cần triển khai 100 triệu ô tô điện và 300 triệu xe điện 2 bánh và 3 bánh.

ASEAN nỗ lực hướng tới chuyển dịch năng lượng trong khu vực - Ảnh 1
Phát triển các nguồn điện linh hoạt là yếu tố then chốt giúp đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn phát điện chính ở các quốc gia Đông Nam Á.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2020, 40% lượng khí thải của Đông Nam Á đến từ hoạt động sản xuất điện, tiếp theo là từ lĩnh vực công nghiệp (29%) và giao thông đường bộ (18%). Các đơn vị đi đầu trong ngành điện giữ vai trò tiên phong trong hành trình giảm phát thải carbon.

Từ năm 2015 đến năm 2021, tổng công suất lắp đặt từ năng lượng tái tạo của ASEAN đã tăng từ 55 GW lên 97 GW. Đến cuối năm 2021, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia dẫn đầu cuộc đua trong khu vực với tổng công suất năng lượng tái tạo đã lắp đặt lần lượt là 43 GW, 12 GW và 11 GW.

Đặc biệt, trong năm 2020, khu vực này chứng kiến công suất điện tái tạo tăng lên mức 33,5% tổng công suất điện lắp đặt, một mức tăng đáng kể so với những năm trước.

Tất cả các công nghệ cần thiết cho giảm phát thải carbon hiện nay đều đã được thương mại hóa và Đông Nam Á là khu vực được hưởng lợi từ sự đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học và địa nhiệt.

Việc đáp ứng các mục tiêu về an ninh năng lượng và phát thải sẽ đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải thực hiện “những nỗ lực lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy nhanh quá trình sản xuất điện tái tạo và chuyển sang sử dụng nhiên liệu phát thải thấp”.

Hiện nay, nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 85% nguồn cung cấp năng lượng chính của Đông Nam Á. Báo cáo của Irena nhấn mạnh Đông Nam Á phải hành động ngay bây giờ để đảo ngược sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, trong đó phần lớn đến từ các nguồn cung bên ngoài khu vực, do đó làm tăng khả năng tiếp xúc với hàng hóa toàn cầu vốn dễ biến động và ngày càng đắt đỏ. Và ASEAN cần hướng đến các con đường chuyển đổi năng lượng bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, chi phí rẻ có sẵn trong khu vực.

Việt Nam có thể đạt phát thải ròng vào năm 2050?

Nghiên cứu mô phỏng hệ thống điện do Tập đoàn công nghệ toàn cầu Wärtsilä thực hiện đã cho thấy các hệ thống điện dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo, được hỗ trợ bởi các động cơ ICE linh hoạt và các hệ thống pin tích trữ năng lượng có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng “0”) vào giữa thế kỷ 21 này, đồng thời giảm 20% chi phí sản xuất điện (LCOE) khi tính đến các khoản thuế carbon trong tương lai. 

Ngoài ra, để giảm 80% lượng phát thải của Việt Nam, các nguồn năng lượng tái tạo cần đạt 76% công suất lắp đặt vào năm 2050 và để đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050, 85% sản lượng điện phải đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đầu tư vào năng lượng tái tạo và nguồn điện linh hoạt sẽ giúp Việt Nam có thể loại bỏ hầu hết các nhà máy điện than vào năm 2040.

Theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc quốc gia Việt Nam mảng Năng lượng, Tập đoàn Wärtsilä nhận định, một hệ thống điện dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề về sự biến động của nhiên liệu hóa thạch và các ràng buộc giảm phát thải, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong tương lai. Giảm phát thải carbon là một quá trình trong nhiều năm, đòi hỏi cần phải lập kế hoạch chặt chẽ, nhưng mục tiêu Net Zero của Việt Nam cho toàn nền kinh tế là hoàn toàn khả thi nếu ngành điện thực hiện các hành động cần thiết ngay hôm nay và trong thập kỷ tới để tiến tới một tương lai Net Zero vào năm 2050.

Trong kịch bản “Net Zero” của nghiên cứu này, đến năm 2050, Việt Nam cần xây dựng hệ thống điện có tổng công suất 646 GW. Hệ thống này ngoài việc cung cấp đủ điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại Việt Nam còn đem đến lượng điện dư thừa để sản xuất 52 TWh khí hydro xanh.

Trên cơ sở đó, để khai thác được những lợi ích to lớn của hệ thống điện Net Zero, Wärtsilä khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý của Việt Nam cần khuyến khích việc bổ sung nguồn điện linh hoạt, đồng thời tạo ra một thị trường điện cạnh tranh hơn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia vào quá trình này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết ASEAN nỗ lực hướng tới chuyển dịch năng lượng trong khu vực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới