Thứ sáu, 29/03/2024 12:36 (GMT+7)
Thứ hai, 28/11/2022 06:50 (GMT+7)

An ninh môi trường cần đảm bảo trong phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi KTMT trên

An ninh môi trường là thành tố quan trọng của an ninh quốc gia, là một yếu tố cần thiết trong nội dung của sự phát triển bền vững.

Xử lý nghiêm vi phạm về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi

Môi trường đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người cũng như tất cả các sinh vật khác trên trái đất. Không chỉ cung cấp không gian sống lý tưởng, môi trường còn mang đến cho con người những tài nguyên để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,… Tuy nhiên môi trường hiện nay đang có xu hướng ô nhiễm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả trên toàn thế giới, gây ra những hậu quả khó lường.

Trước tình trạng nhiễm môi trường đã và đang là một vấn đề nan giải toàn cầu. Thậm chí vấn đề này không chỉ là một mối quan tâm bình thường. Chúng đang được báo động. Trên thế giới, theo thống kê số lượng người mắc các bệnh liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường rất nhiều và không có dấu hiệu dừng.

An ninh môi trường cần đảm bảo trong phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh 1

Thường xuyên giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết ngăn chặn những “điểm nóng về môi trường”. (Ảnh minh họa)

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành văn bản số 1414 /UBND-KT về việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Thường xuyên giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết ngăn chặn những “điểm nóng về môi trường”; quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường theo quy định.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thẩm định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Thực hiện tốt công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm an ninh môi trường trên không gian mạng. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát biến đổi khí hậu. Chịu trách nhiệm đôn đốc và tổng hợp báo cáo, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu.

Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế

Sở Kế hoạch và Đầu tư nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án đầu tư, thu hút đầu tư theo hướng không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá để bảo đảm an ninh môi trường (bảo đảm sự an toàn của con người, bảo đảm sự ổn định về chính trị, an toàn xã hội, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội trước đe dọa của môi trường sinh thái), xác định lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.

Chủ trì tham mưu xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; trong quá trình lập quy hoạch phải tính đến các yếu tố gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp xử lý; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường. Quan tâm dự báo sớm các tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh, các vấn đề có tính chất phức tạp được người dân quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Tăng cường công tác đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ đối với các dự án đầu tư theo quy định nhằm kịp thời theo dõi, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đồng thời, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường đấu tranh, phản bác lại những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng những hạn chế, bất cập về an ninh môi trường nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố chú trọng công tác xây dựng các quy hoạch theo thẩm quyền mang tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong quá trình lập quy hoạch phải tính đến các yếu tố gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp xử lý; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường.

Quan tâm phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Khi xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án chính sách, pháp luật về an ninh môi trường, quan tâm dự báo sớm các tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh, các vấn đề tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm” được người dân quan tâm; kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với UBND tỉnh cũng giao các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, Quỹ Bảo vệ môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh môi trường để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

UBND tỉnh trước đó đã xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26. Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở TN&MT chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các nội dung trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trồng rừng, phát triển rừng; phục hồi rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng cao chất lượng, trữ lượng các-bon rừng và quản lý rừng bền vững. Phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất.

Có thể nói an ninh môi trường là vấn đề có tính thời sự trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay. Đảm bảo an ninh môi trường là đảm bảo điều kiện sống cho con người, góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. Ngược lại an ninh môi trường bị xâm hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân, tạo ra xung đột xã hội giữa người dân với doanh nghiệp, xung đột người dân với chính quyền, xung đột giữa quốc gia giữa nước ta với các nước có có cùng lợi ích, gây ra những bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, đến an ninh quốc gia, kiềm chế sự phát triển kinh tế, xã hội. Quản lý tốt an ninh môi trường sẽ là điều kiện tạo ra sự ổn định xã hội, giải quyết hài hòa các lợi ích về môi trường, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết An ninh môi trường cần đảm bảo trong phát triển kinh tế-xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.