Con tàu đắm trong Thế chiến II rò rỉ hoá chất độc hại gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển
80 năm sau khi chìm, con tàu V-1302 John Mahn đắm trong Chiến tranh Thế giới thứ hai vẫn đàn rò rỉ chất nổ và nguyên tố độc hại ra Biển Bắc.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng nghìn con tàu và máy bay bị đánh chìm dưới đáy đại dương của thế giới. Theo thời gian, nhiều xác tàu bị lãng quên đã trở thành rạn san hô nhân tạo cung cấp nơi trú ẩn cho cá và các động vật hoang dã dưới nước khác hoặc địa điểm hấp dẫn cho những người lặn biển. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy các tàu bị chìm có thể gây hại nhiều hơn lợi.
Xác của chiếc V-1302 John Mahn, nằm ở vùng Biển Bắc thuộc Bỉ, chỉ là một trong hàng nghìn xác tàu và máy bay nằm dọc theo đáy biển. Con tàu ban đầu hoạt động như một phương tiện đánh cá của Đức, nhưng sau đó được Hải quân Đức trưng dụng trong Thế chiến II như một tàu tuần tra.
Vào ngày 12/2/1942, 6 chiếc máy bay Hawker Hurricane của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh trong khi tuần tra bờ biển Bỉ đã tấn công V-1302 John Mahn. Hai quả bom trên không giáng xuống con tàu khiến nó chìm nhanh chóng, cướp đi sinh mạng của 11 thủy thủ và kéo theo hàng hóa của con tàu - đạn dược và than dự trữ - xuống đáy biển.
Đồng tác giả nghiên cứu Josefien Van Landuyt, một nhà sinh thái học tại Đại học Ghent, cho biết trong một tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi không nhìn thấy những con tàu đắm cũ này và nhiều người trong chúng tôi không biết chúng ở đâu, chúng vẫn có thể gây ô nhiễm hệ sinh thái biển của chúng ta".
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các mẫu từ vỏ thép của con tàu cũng như lớp trầm tích xung quanh. Họ cũng thu thập mẫu ở một loạt địa điểm xung quanh con tàu theo các hướng và khoảng cách khác nhau để xem mức độ ô nhiễm kéo dài bao xa.
Các mẫu thử cho thấy nhiều kim loại nặng như niken và đồng cũng như asen và nhiều hợp chất gây nổ. Các hydrocarbon thơm đa vòng, hay PAH, là chất hóa học tự nhiên có trong xăng, than và dầu thô, cũng được tìm thấy.
Nhóm nghiên cứu nói rằng họ phát hiện nồng độ kim loại cao nhất gần hầm than của V-1302 John Mahn, nhưng nó cũng có trong trầm tích lắng đọng phía sau xác tàu. Các mẫu có nhiều hóa chất nhất cũng được đặt gần con tàu.
Các mảnh vỡ đã ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật xung quanh con tàu. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra Rhodobacteraceae và Chromatiaceae, những vi khuẩn phân hủy PAH trong các mẫu trầm tích chứa nhiều chất ô nhiễm nhất. Vi khuẩn khử sulfat Desulfobulbia cũng được xác định trong các mẫu lấy từ thân tàu, có khả năng gây ra sự ăn mòn của nó.
"Mặc dù xác tàu có thể hoạt động như một rạn san hô nhân tạo và có giá trị kể chuyện lịch sử to lớn, nhưng chúng ta không nên quên rằng chúng là những vật thể nguy hiểm do con người tạo ra, vô tình được đưa vào môi trường tự nhiên. Ngày nay, những con tàu đắm được trục vớt là vì lý do đó", Van Landuyt nói thêm.
Ngoài xác tàu, Biển Bắc còn chứa tới 1,6 triệu tấn đạn dược như đạn pháo và bom được ném xuống sau mỗi cuộc chiến tranh thế giới kết thúc. Chất nổ này cũng như các tác nhân chiến tranh hóa học khác có thể gây độc cho sinh vật. Những sản phẩm dầu mỏ cũng được biết là ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh sản và ăn uống sinh vật biển.
Nghiên cứu này chỉ bao gồm các phân tích về vụ đắm tàu V-1302 John Mahn, nhưng Van Landuyt nhấn mạnh rằng cần lấy mẫu thêm nhiều xác tàu ở nhiều địa điểm khác nhau để có cái nhìn tổng quan hơn về tác động của chúng đối với Biển Bắc.
Hà Ly