Khẩn cấp hành động giải quyết ô nhiễm nhựa và bảo vệ các hệ sinh thái biển
Hội nghị Liên chính phủ lần thứ 25 phần thứ hai kết thúc với sự thống nhất chung của các nước thành viên cần hành động khẩn cấp, tìm ra các giải pháp hữu hiệu để đối phó với ô nhiễm nhựa; các thách thức khác đối với hệ sinh thái biển và ven biển.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để vừa bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho mọi người dân, vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau.
Mới đây, Hội nghị Liên chính phủ lần thứ 25, phần thứ hai của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (IGM-25.2) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã kết thúc với sự thống nhất chung của các quốc gia thành viên cần hành động khẩn cấp, tìm ra các giải pháp hữu hiệu và thực hiện để đối phó với ô nhiễm nhựa; các thách thức khác đối với hệ sinh thái biển và ven biển hiện nay và trong tương lai.
Đây là dịp để khẳng định lại sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam vào các sáng kiến khu vực và toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, kinh tế biển xanh, quy hoạch không gian biển và ven biển, các khu bảo tồn biển. Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng cho tình hữu nghị, hợp tác bền vững của các nước trong khu vực Biển Đông Á.
Theo đó, Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (COBSEA) bao gồm 9 quốc gia thành viên là Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã thống nhất chung về nhận thức rằng, suy thoái hệ sinh thái biển và ô nhiễm nhựa là những vấn đề môi trường nghiêm trọng của mỗi quốc gia, khu vực và trên toàn cầu.
Các quốc gia cũng khẳng định thực hiện nghiêm túc cam kết của mỗi nước ở cấp khu vực và toàn cầu nhằm tăng cường công tác chống ô nhiễm trên đất liền và biển như rác thải đại dương, ô nhiễm phú dưỡng (dư thừa hàm lượng Nitơ và photpho trên biển); đồng thời thúc đẩy các hoạt động bảo tồn các hệ sinh thái biển và ven biển.
Bên cạnh đó, các đại biểu đến từ 9 nước thành viên đã thảo luận, rà soát chính sách quy hoạch không gian biển và vùng bờ; phân tích tình hình các khu bảo tồn biển trên các vùng biển Đông Á; xây dựng khung cho các hệ sinh thái biển và ven biển và Nhóm công tác hệ sinh thái biển và ven biển; Cập nhật về các hoạt động toàn cầu bao gồm cả Khung đa dạng sinh học toàn cầu, Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu và các Hệ sinh thái biển và ven biển của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc; theo dõi và rà soát các các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến đại dương; tăng cường khung thể chế của COBSEA...
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo của Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về tình hình thực hiện các hoạt động của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (2021-2022); thông qua Kế hoạch hành động khu vực của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á về rác thải đại dương; thành lập Nút khu vực Biển Đông Á (EAS Regional Node) trong khuôn khổ Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải đại dương; cập nhật về các cuộc đàm phán hướng tới Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Được biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội nghị IGM-25 do Việt Nam chủ trì đã được các quốc gia thành viên Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á thống nhất tổ chức thành 2 phần. Phần thứ nhất đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 9/2021; phần thứ hai được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tiếp từ ngày 12-13/10 tại Hà Nội.
Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á COBSEA lần thứ 26 sẽ do Campuchia đăng cai, chủ trì vào năm 2023.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn thì nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc.
Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Lan Anh