Ấn Độ: Đang xây dựng nhà máy năng lượng sạch lớn nhất thế giới, diện tích gấp 5 lần Paris
Với tổng diện tích lên tới 52 nghìn hecta và chi phí 20 tỷ USD, đây sẽ là nhà máy năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới hiện nay.
Mới đây, ông Sagar Adani, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng sạch Adani Green Energy Limited (AGEL) công bố đang xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời và gió quy mô cực lớn ở bang Gujarat, phía Tây Ấn Độ với tên gọi Công viên Năng lượng Tái tạo Khavda. Dự án được ước tính chi phí lên tới 20 tỷ USD (khoảng 496 nghìn tỷ VNĐ).
Tọa lạc ở vùng sa mạc heo hút ở phía Tây Ấn Độ, cách biên giới giữa Ấn Độ và Paskintan chỉ 20km, nơi đây không hề tồn tại sự sống, động vật hoang dã hay thảm thực vật. Đối với vùng đất cằn cỗi này, xây dựng nhà máy năng lượng sạch chính là phương án tối ưu nhất.
Với quy mô diện tích lên tới 52 nghìn hecta, tương đương gấp 5 lần so với diện tích của thành phố Paris, đây sẽ là dự án công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Theo dự đoán, khi hoàn thành, công viên năng lượng khổng lồ này sẽ sản xuất đủ điện sạch cho khoảng 16 triệu hộ dân.
Thành công của Công viên Năng lượng Tái tạo Khavda có ý nghĩa quan trọng với đất nước Ấn Độ trong hành trình giảm ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng cao ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ấn Độ được xếp vào nhóm những quốc gia có nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất. Trong đó, than vẫn chiếm 70% lượng điện mà quốc gia này tạo ra.
Điều cấp bách cho đất nước với 1,4 tỷ dân
Dự án năng lượng sạch của tập đoàn AGEL diễn ra vào đúng thời điểm Ấn Độ tự đặt ra các mục tiêu về khí hậu và môi trường. Thủ tướng Narendra Mod hứa hẹn các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió sẽ đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của Ấn Độ đến hết năm 2029.
Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu sản xuất 500 GW điện từ nhiên liệu tái tạo đến năm 2030. Trong số đó, tập đoàn AGEL cũng đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 9% được sản xuất từ dự án Công viên Năng lượng Tái tạo Khavda.
Các nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ có đủ điều kiện để tăng trưởng với tốc độ ít nhất 6%/ năm trong thời gian vài năm tới, và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới đến cuối thập kỷ này. Khi quốc gia phát triển và hiện đại hóa, dân số đô thị ngày một nhiều. Lúc này, nhu cầu về điện tại Ấn Độ dự kiến sẽ tăng vọt trong những năm mới, một phần do mức sống được cải thiện, một phần do biến đổi khí hậu khiến nắng nóng gay gắt, số lượng máy điều hòa tại quốc gia này sẽ tăng vọt.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA), Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, mức sử dụng năng lượng và khí thải bình quân đầu người của nước này lại thấp hơn bình quân thế giới tới một nửa.
Hiện tại, tập đoàn AGEL đang có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD (khoảng 2,48 triệu tỷ VNĐ) vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong thập kỷ tới. Trong đó, 70% khoản đầu tư sẽ dành riêng cho năng lượng sạch.
Tính chất "hai mang" của tập đoàn liệu có ổn?
Tập đoàn AGEL không chỉ là những công ty phát triển và vận hành mỏ than lớn nhất ở Ấn Độ, mà còn vận hành mỏ than Carmichael gây tranh cãi ở Úc. Mỏ này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà vận động chống biến đổi khí hậu. Họ cho rằng, mỏ than Carmichael chính là bản án tử đối với rạn san hô Great Barrier.
Mặc dù dự án công viên năng lượng sạch lớn nhất thế giới của tập đoàn AGEL nghe rất ấn tượng nhưng vẫn vấp phải những chỉ trích của các chuyên gia khí hậu. Ông Tim Buckley, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Tài chính Năng lượng Khí hậu tại Sydney, Úc nhận định, AGEL vẫn tiếp tục "hai mang". Ngoài đầu tư vào năng lượng sạch, tập đoàn này vẫn đổ khoản tiền đầu tư hàng tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch.
Đáp lại những chỉ trích trên, ông Adani cho rằng, đây chưa phải thời điểm thích hợp để tập đoàn chuyển sang cơ chế cung cấp 100% từ nguồn năng lượng bền vững. Trong khoảng 15 năm tới, hơn 600 triệu người Ấn Độ sẽ đạt mức thu nhập trung bình và cao. Vì thế, họ cần sử dụng năng lượng. Các quốc gia phát triển trên thế giới vốn có lịch sử phát thải nhà kính cao hơn các nước đang phát triển như Ấn Độ. Các nhà hoạt động ở những nước này không thể hiểu được thách thức lớn mà Ấn Độ đang phải đối mặt khi vừa phải phát triển kinh tế, vừa phát triển năng lượng sạch cùng lúc.
Theo: CNN
ChiMai