Thứ tư, 27/11/2024 11:39 (GMT+7)
Thứ tư, 29/12/2021 12:00 (GMT+7)

7 giải pháp giúp Việt Nam thỏa cơn 'khát' nước ngọt

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính của Việt Nam. Theo tính toán, lượng nước bình quân/người tại Việt Nam chỉ còn 8.300 m3/người vào năm 2025 khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu người.

Nguồn nước suy giảm, nhiều nơi thiếu nước

Liên tiếp những năm gần đây, cuộc sống của người dân tại Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, khi hạn hán liên tiếp, sông, suối, hồ đập hầu như cạn kiệt, người dân thiếu nước sinh hoạt cũng như sản xuất. Những rừng cà phê xanh mướt giờ đã giảm hơn trước về diện tích cũng như năng suất vì thiếu nước, đời sống người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Không chỉ Tây Nguyên mà Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) từng được đánh giá là khu vực giàu có về tài nguyên nước, vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất cả nước cũng đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực và khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do nguồn nước bị suy giảm cả về lượng và chất.

Hiện nay, mùa mặn ở ĐBSCL sớm hơn trong quá khứ, tần suất các đợt mặn nghiêm trọng có xu hướng tăng lên, diện tích hạn mặn tiềm năng mùa khô có thể lên đến 65 - 70%. Tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ở đây khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

7 giải pháp giúp Việt Nam thỏa cơn 'khát' nước ngọt - Ảnh 1
Nhiều địa phương thiếu nước trầm trọng. (Ảnh minh họa)

Đó là những thực trạng cho thấy hồi chuông báo động về vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay tại Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi dày đặc với 2.372 con sông và nguồn nước mưa dồi dào, mỗi năm khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình 1.500 - 2.000 mm. Tuy nhiên tại Việt Nam lại đang tồn tại một nghịch lý, khi mưa nhiều thì lũ lụt, ngập úng; Hết mưa thì hạn hán, thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt.

Theo tính toán, lượng nước bình quân/người tại Việt Nam đã giảm khá nhanh từ 12.800 m3 vào năm 1990, còn 9.700 m3 năm 2010 và có khả năng chỉ còn 8.300 m3/người vào năm 2025 khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu người. Trong khi nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt và bị khai thác quá mức ở nhiều nơi, thì nguồn nước ngọt thay thế bù vào nhu cầu nước ngày càng tăng trong tương lai sẽ là nguồn nước mưa và nước tái sinh. Tuy nhiên, cả 2 nguồn nước này đang chưa được quan tâm đúng mức.

Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam là một nước ở hạ lưu các sông quốc tế, thường xuyên phải gánh chịu các thảm họa do nước gây ra, phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức ở nhiều nơi. Bởi vậy tài nguyên nước của Việt Nam đang ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững cho phát triển.

Ông Hà cho biết tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta vào khoảng 830 - 840 tỉ m3, trong đó khoảng 63% có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ. Theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế, tổng lượng nước bình quân đầu người đạt khoảng 9.560 m3/người/năm. Theo ông Hà, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 4.000 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia có tài nguyên nước trung bình là 10.000 m3/người/năm.

Mặt khác, do dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6-9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20-30% nên về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước.

Năm 2021 được đánh giá tiếp tục là năm khó khăn với nguy cơ khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở khu vực Trung Bộ.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL cũng được dự báo gia tăng và xâm nhập sâu tại các cửa sông chính từ nửa cuối tháng 1. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới.

Giải pháp quản lý, sử dụng nước bền vững

Để đảm bảo quản lý, sử dụng nước bền vững an ninh nguồn nước trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước; Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước, nhất là nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; Quy định về hành lang thoát, xả lũ.

7 giải pháp giúp Việt Nam thỏa cơn 'khát' nước ngọt - Ảnh 2
Tăng cường các biện pháp để sử dụng nguồn nước ngọt Việt Nam hợp lý. (Ảnh minh họa)

Hai là, tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia; Xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2045 và tầm nhìn đến cuối thế kỷ XXI.

Ba là, nghiên cứu, đề xuất các phương án thực hiện liên thông giữa các hồ, công trình thủy lợi ở từng địa phương, tiến tới khu vực, vùng miền và toàn quốc để tạo ra mạng lưới thủy lợi quốc gia trong tương lai.

Đồng thời, chủ động phân phối nước, đưa nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, chủ động tiêu thoát nước, xả lũ, ngăn mặn, giữ ngọt và nạo vét, khai thông, xây dựng các ao, hồ, đập, sông, suối, các kênh, rạch để có thể trữ nước ngọt.

Bốn là, cần bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho hồ, đập; Xem xét đưa vào kế hoạch 5 năm 2021-2025 những mục tiêu cấp bách; Bố trí nguồn lực từ kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

Năm là, nâng cao năng lực phân tích dự báo là cơ sở để xác định mục tiêu, chính sách, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế; Chú trọng công tác thu thập thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, xây dựng kết nối liên thông cơ sở dữ liệu tài nguyên nước đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Sáu là, tiếp tục nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tránh chồng chéo; Rà soát lại việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương về quản lý nguồn nước và an toàn hồ đập; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị đối với vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập.

Bảy là, tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực sông, phối hợp, điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế ở mức cao nhất sự tác động của con người vào tự nhiên, làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mê Kông, sông Hồng.

Nguyễn LInh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 7 giải pháp giúp Việt Nam thỏa cơn 'khát' nước ngọt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới