Thứ tư, 27/11/2024 10:30 (GMT+7)
Thứ tư, 27/11/2024 08:34 (GMT+7)

Tạp chí Kinh tế Môi trường đoạt giải C tại cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Với bài viết “Nhân giống Cây Di sản, biến giấc mơ thành hiện thực”, nhóm tác giả Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đoạt giải C trong cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Ngày 26/11 tại Hà Nội, Ban tổ chức Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 đã tổ chức Lễ trao giải với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà báo, khách mời và các tác giả đoạt giải. Cuộc thi do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 9/2024.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường, cuộc thi đã thu hút hơn 400 tác phẩm dự thi từ khắp mọi miền đất nước. Các tác phẩm dự thi tập trung phản ánh vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử, sinh học của cây di sản, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Tạp chí Kinh tế Môi trường đoạt giải C tại cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 - Ảnh 1
Phóng viên Quang Trường (thứ 2 từ trái sang) đại diện cho nhóm tác giả TC Kinh tế Môi trường nhận giải C. 

Trong số hơn 400 tác phẩm tham gia cuộc thi, qua nhiều vòng loại, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 25 tác phẩm phù hợp nhất, tốt nhất để công bố, trao giải theo cơ cấu, gồm: 3 giải A; 7 giải B và 15 giải C. Đại diện Ban tổ chức cho biết, Cuộc thi đã thu hút đông đảo các “cây bút” đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có hơn 50 tác phẩm mà tác giả là các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Với bài viết “Nhân giống Cây Di sản, biến giấc mơ thành hiện thực” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Quỳnh – Quang Trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đoạt giải C trong cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Được biết, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có quần thể 56 cây Sa mu hàng trăm năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một trong những loại cây quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Các cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu nhân giống của cây này bằng hạt đã thành công. Đồng thời, vận động người dân trồng Cây Di sản Sa mu nhằm bảo tồn Cây Di sản và góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

Phát biểu khai mạc tại lễ trao giải, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 được phát động với mục tiêu lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và kết nối các thế hệ đã có công chăm sóc, bảo vệ cây di sản Việt Nam.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội sẽ sử dụng các bài viết trong thời gian tới để lan tỏa thông điệp của các tác giả đối với mọi người dân trên toàn quốc, ra sức bảo vệ cây xanh, bảo vệ cây cổ thụ, bảo vệ cây di sản Việt Nam, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, của Nhà nước về đề án trồng một tỷ cây xanh.

Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường là đơn vị tổ chức thực hiện. Cuộc thi được tổ chức định kỳ, gắn với hoạt động vinh danh, bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, hoạt động được khởi xướng triển khai thực hiện từ năm 2010 và đến nay, hơn 8.000 nghìn cây cổ thụ ở khắp các vùng miền, hải đảo đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

PV

Bạn đang đọc bài viết Tạp chí Kinh tế Môi trường đoạt giải C tại cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.