Thứ bảy, 27/04/2024 08:09 (GMT+7)
Thứ tư, 15/03/2023 17:50 (GMT+7)

6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện giảm phát thải khí metan

Theo dõi KTMT trên

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí metan, thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải khí mê-tan năm 2020.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Kế hoạch của Bộ triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, bao gồm 6 nhiệm vụ cụ thể và danh mục 16 nhiệm vụ ưu tiên.

Trong đó, 6 nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

  1. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách;
  2. Thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí metan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải;
  3. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
  4. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức;
  5. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương và huy động nguồn lực;
  6. Giám sát, đánh giá.

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải khí metan đến năm 2030 trong phạm vi quản lý của Bộ TN&MT, thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức phát thải khí metan năm 2020.

6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện giảm phát thải khí metan - Ảnh 1
Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch của Bộ triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan, nhằm thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải vào năm 2030 so với mức phát thải khí metan năm 2020.

Đối với 16 nhiệm vụ ưu tiên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ TN&MT sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí metan đến năm 2030 trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật về giảm phát thải khí metan trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon bao gồm giảm phát thải khí metan.

Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn áp dụng phương pháp kiểm kê khí metan trong lĩnh vực quản lý chất thải ở bậc cao nhất phù hợp điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác điều tra, khảo sát và xây dựng hệ số phát thải khí metan đặc trưng quốc gia cũng được thực hiện cho 2 lĩnh vực: quản lý chất thải rắn; xử lý và xả thải nước thải sinh hoạt.

Cũng theo Bộ TN&MT, từ nay đến năm 2030, cơ quan này sẽ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế, công nghệ xử lý chất thải; điều tra, đánh giá hiện trạng tại các địa phương; tổ chức triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như chuyên giao công nghệ tiên tiến trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải.

Đồng thời, vận động các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính và tăng cường năng lực phục vụ giảm phát thải khí metan; nâng cao nhận thức cộng đồng; hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính và tăng cường năng lực; tham gia ủng hộ các sáng kiến quốc tế có liên quan; vận động các quốc gia khác tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu.

Trên cơ sở nội dung của Kế hoạch, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị có liên quan thuộc Bộ chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Trong đó, Cục Biến đổi khí hậu sẽ là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT theo dõi, tổng hợp, định kỳ hằng năm đánh giá tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; kịp thời báo cáo Bộ trưởng và đề xuất tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện ở trung ương và địa phương, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra, thực hiện Cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu.

Cục Biến đổi khí hậu cũng sẽ chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí metan đến năm 2030 trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng trong các hoạt động giảm phát thải khí metan…

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu trong xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch chi tiết giảm phát thải khí metan đến năm 2030 trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; chủ trì xây dựng, hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các quy trình, quy định, hướng dẫn về quản lý chất thải; chủ trì hướng dẫn và tổ chức thực hiện lựa chọn, áp dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại; kiểm tra việc hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường.

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022.

Đến năm 2030, Việt Nam nỗ lực giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. 

Đến năm 2025, bảo đảm tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ), giảm 13,34% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí metan trong trồng trọt không vượt quá 42,2 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn CO2tđ, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2tđ, khai thác dầu khí không vượt quá 10,6 triệu tấn CO2tđ, khai thác than không vượt quá 3,5 triệu tấn CO2tđ, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không vượt quá 1,3 triệu tấn CO2tđ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện giảm phát thải khí metan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới