Thứ sáu, 19/04/2024 07:04 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/01/2022 11:34 (GMT+7)

Khoảng 38 triệu túi nilon dùng một lần được sử dụng tại các siêu thị mỗi năm

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Đáng chú ý, lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nilon/năm gây ra lượng rác thải nhựa khổng lồ.

“Ô nhiễm trắng” đe dọa toàn cầu

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu.

Theo số liệu khảo sát vào tháng 3/2021 do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện cùng các đối tác, số lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nilon/năm. Trong đó, 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi nilon miễn phí. Trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nilon/ngày, dao động từ 70 đến 2.800 túi.

Trong khi đó, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy, mỗi năm, thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, tuy nhiên, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới đều thải ra bãi rác/chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến 2050, thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra bãi rác/chôn lấp và môi trường tự nhiên, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu.

Khoảng 38 triệu túi nilon dùng một lần được sử dụng tại các siêu thị mỗi năm - Ảnh 1
Mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, theo UNEP. (Ảnh minh họa)

Rác thải nhựa đang gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển. Dự tính đến 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa, rác thải nhựa sẽ gây hại cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó, gặp nguy hiểm do mắc vào rác thải nhựa hoặc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Một khảo sát bởi Trường Đại Học Y tế Cộng đồng cũng chỉ ra rằng 28% các nghiên cứu quốc gia về nhựa đều có mối quan ngại về các vấn đề sức khỏe (GreenHub, 2021).

Không ngoại lệ, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilong. Lượng chất thải nhựa và túi nilong ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilong được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. 

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khởi động chương trình "Đối tác Hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam", Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: "Những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách".

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nilon góp phần sản xuất và tiêu dùng bền vững

Xuất phát từ mục đích giảm tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần tại các nhà bán lẻ, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp ký cam kết tham gia Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nilon. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh Châu Âu và Chính phủ Đức tài trợ; Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, Liên minh Các nhà bán lẻ giảm túi nilon dùng một lần được thành lập sẽ góp phần đạt được mục tiêu giảm túi nilon sử dụng một lần trong tiêu dùng, bán lẻ, góp phần đạt được các mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trong thời gian tới, đề nghị các thành viên trong Liên minh sẽ cùng thống nhất triển khai thực hiện tốt các nội dung cam kết đã ký kết tại bản ghi nhớ và thực hiện các lộ trình giảm thiểu túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại cơ sở kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND Thành phố Hà Nội.

Bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh túi ni lông có khả năng tự phân hủy và các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Đồng thời, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa bao gồm: Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), WWF-Việt Nam, Đại sứ quán Hà Lan, Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP), Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường (VB4E), Quỹ Châu Á (TAF) thúc đẩy các hoạt truyền thông nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định: “Sự kiện Lễ Công bố ra mắt Liên minh nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon là một sự kiện quan trọng nhằm khẳng định việc chung tay giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà bán lẻ, các đối tác đồng hành giảm nhựa để giải quyết vấn đề ô nhiễm phát sinh từ các sản phẩm nhựa dùng một lần”,.

Trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh, các nhà bán lẻ cam kết cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm giảm túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm: Thay thế túi nilon khó phân huỷ cung cấp cho khách hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi nilon dùng một lần; thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giảm thiểu sử dụng túi nilon và phát sinh chất thải nhựa; thực hiện “Ngày không sử dụng túi nilon” vào một ngày trong tháng. Khuyến khích các nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giấy tái chế thay thế túi nilon để bao gói các sản phẩm cung cấp cho chuỗi bán lẻ.

Tính đến tháng 12/2021, có 16 nhà bán lẻ đã đăng ký tham gia Liên minh, bao gồm: Công ty TNHH Lock and Lock Hà Nội, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Long Bình Plaza, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Đức Thành, Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, Chi nhánh Tổng công ty May 10 - CTCP Siêu thị M10Mart, Công ty TNHH UNIQLO Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long, Công ty TNHH The Body Shop Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội, Tập đoàn TH True Milk, Công ty TNHH Phân Phối Sành Điệu, Công ty TNHH Bán lẻ BRG, Công ty TNHH DECATHLON Việt Nam, và Công ty TNHH Aeon Việt Nam.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Khoảng 38 triệu túi nilon dùng một lần được sử dụng tại các siêu thị mỗi năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới