2022 sẽ là năm có nhiệt độ cao thứ 10 trong lịch sử
Theo NOAA, các nhà khoa học dự báo khí hậu toàn cầu có thể 'nóng kỷ lục' vào năm 2022 và đây sẽ là năm có nhiệt độ cao thứ 10 trong lịch sử. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nồng độ ngày càng cao của các loại khí giữ nhiệt như khí thải carbon.
Khủng hoảng biến đổi khí hậu đã rất gần
Dữ liệu mà Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) của Mỹ công bố ngày 13/1 cho thấy, 9 năm liên tục từ 2013 đến 2021 được ghi nhận có nhiệt độ lên tới mức "nóng kỷ lục," và tình trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với con người rằng khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đã rất gần và nghiêm trọng.
Theo NOAA, trong năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,84 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20, và là năm có nhiệt độ cao thứ 6 tính từ khi thống kê bắt đầu được tiến hành vào năm 1880.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nồng độ ngày càng cao của các loại khí giữ nhiệt như khí thải carbon dioxide. Các nhà khoa học dự báo gần như chắc chắn rằng 2022 sẽ là năm có nhiệt độ cao thứ 10 trong lịch sử.
Phân tích của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng cho thấy 2021 và 2018 là những năm ở trong danh sách 6 năm có nhiệt độ nóng nhất từ trước tới nay và rằng sự gia tăng lượng khí nhà kính kể từ khi con người tiến hành cách mạng công nghiệp đến nay là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hành tinh nóng lên.
Những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng thấy rõ trong những năm gần đây, trong đó có hàng loạt các vụ cháy rừng xảy ra ở khắp nơi, từ Australia cho tới Siberia, những đợt nắng nóng kéo dài ở Bắc Mỹ và mưa lũ, lụt lội ở châu Á, châu Phi, Mỹ và cả châu Âu.
Tính riêng ở Mỹ, đã có gần 700 người chết trong năm 2021 tại những thời điểm điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với tốc độ ấm lên như hiện nay, các nhà khoa học cho rằng Trái Đất sẽ nóng thêm 1,5 độ C vào năm 2030.
Những dữ liệu mới công bố của NOAA càng khẳng định thêm sự cấp thiết thế giới phải nỗ lực hơn nữa để có các giải pháp nhằm đảm bảo Trái Đất không nóng lên quá 1,5 độ C nếu như muốn tránh được thiên tai như siêu bão, sóng thần, lụt lội mà hệ quả là sự tàn lụi của thiên nhiên và sự hủy diệt các cộng đồng người sinh sống ven biển.
Những đợt nắng nóng kỷ lục gây chết người trên thế giới
Nắng nóng kéo dài 30 ngày tại Châu Âu năm 2003
Năm 2003, Châu Âu đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài 30 ngày. Thời tiết khắc nghiệt đã giết chết khoảng 70.000 người, gấp 20 lần số người chết trong vụ tấn công ngày 11/9. Tại Anh, nhiệt độ cao tới 38,5 độ C ở Faversham và hiện vẫn là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận ở quốc gia này. Pháp là nơi hứng chịu đợt nắng nóng tồi tệ nhất, khi nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C.
Nắng nóng tại Nga năm 2010
Giữa tháng 7 đến tháng 8 năm 2010, nhiệt độ tăng vọt lên đến 38 độ C. Ở Moscow, nơi nhiệt độ trung bình hàng ngày dài trong tháng 7 chỉ dao động từ 18 -19 độ. Năm 2010, nhiệt độ trung bình tăng lên 30 độ C. Nắng nóng đã gây thiệt hại khoảng 9 triệu ha hoa màu, xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Đợt nắng nóng kỷ lục đó ước tính có hơn 56.000 người chết. Khoảng 9 triệu ha hoa màu bị thiệt hại, nhiều vụ cháy rừng ghi nhận khắp đất nước. Ước tính 56.000 người chết vì đợt nắng nóng kinh hoàng này.
Nắng nóng tại Chicago năm 1995
Chicago ghi nhận đợt nắng nóng tồi tệ nhất lịch sử vào năm 1995, nhiệt độ lên tới 41 – 43 độ C. Chỉ trong 5 ngày đã có tới 750 người thiệt mạng, hơn 3000 người nhập viện.
Nắng nóng tại Ấn Độ năm 2015
Trong tháng 5 năm 2015, Ấn Độ đã trải qua một đợt nắng nóng lớn, làm hơn 2.000 người thiệt mạng. Mức nhiệt ban ngày cao nhất chạm mốc 47 độ C. Theo Cục khí tượng Ấn Độ, đây là đợt nắng nóng tồi tệ nhất ở quốc gia này.
Nắng nóng tại Australia năm 2009
Nhiệt độ cao nhất ở Hopetoun, Victoria là 49 độ C, Melbourne 46 độ C. Tồi tệ hơn là sự việc diễn ra vào ngày thứ 7 đen tối, rừng ở Victoria cháy lan rộng khiến 173 người tử vong. 10 tháng sau đó, đợt nắng nóng thứ 2 lại xảy ra cùng khu vực này.
Nguyễn Linh (T/h)