Nóng lên toàn cầu có thể ảnh hưởng an ninh lương thực Trung Quốc
Cảnh báo của các nhà khoa học, nóng lên toàn cầu có thể khiến Trung Quốc hứng chịu nhiều sâu bệnh hại cây trồng gấp đôi hiện tại vào cuối thế kỷ này, từ đó đe dọa đến an ninh lương thực của đất nước đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc hiện là quốc gia có dân số 1,4 tỷ người, đang là nước sản xuất các cây ngũ cốc chính bao gồm gạo, lúa mì và ngô lớn nhất trên thế giới. Do đó, vật chủ lớn nhất của sâu bệnh cũng là quốc gia này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho hay, nếu thế giới không hạn chế được lượng khí nhà kính thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 4 độ C so với mức trước công nghiệp vào năm 2100. Sâu bệnh hại cây trồng theo đó cũng sẽ tăng gấp hai lần mức hiện tại.
Mặt khác, nếu thế giới có thể giữ cho nhiệt độ chỉ tăng dưới 2 độ C thì mức độ sâu bệnh chỉ tăng nhẹ và các công nghệ nông nghiệp hiện tại hoàn toàn có khả năng quản lý được chúng.
Sâu keo mùa thu chính là một ví dụ điển hình cho những rủi ro sắp tới mà ngành nông nghiệp Trung Quốc sẽ phải hứng chịu. Vào năm 2019, loại sâu bệnh này lây lan tới 26 tỉnh thành, gây hại cho hơn 112 triệu ha đất trồng trọt. Các nhà khoa học đưa ra cảnh bảo những thiệt hại này hoàn toàn có thể trở nên nghiêm trọng hơn nhiều trong những năm tới.
Tính khoảng thời gian từ năm 1970-2016, một phân tích của các nhà khoa học đến từ Anh, Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng cho thấy tỷ lệ sâu bệnh tại Trung Quốc đã tăng trung bình gấp 4 lần. Chính điều này đã ảnh hưởng đến mọi tỉnh tại Trung Quốc.
Đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng đồng bằng lớn nhất nước này - những khu vực sản xuất lương thực chính như Đồng bằng Hoa Bắc và Đồng bằng Dương Tử ở trung hạ lưu phía đông. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu này còn phát hiện ra biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân đóng góp vào 20% tỷ lệ gia tăng sâu bệnh, đặc biệt là tại các vùng phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc. Nhiệt độ ban đêm ấm hơn được xác định là nguyên nhân chính dẫn tới điều này.
Cùng với đó, việc số ngày băng giá giảm do nhiệt độ tăng cao cũng có thể thúc đẩy đáng kể sự lây lan của sâu bệnh hại cây trồng trong bối cảnh thế giới không có bất cứ biện pháp gì nhằm kiểm soát biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ sống sót sau mùa đông cao hơn sẽ tương đương với việc xuất hiện một số lượng lớn các loài sâu gây hại thế hệ đầu tiên.
Thực tế, do phần lớn các khu vực sản xuất lương thực lớn trên thế giới đều nằm ở vùng ôn đới, số ngày băng giá giảm đi sẽ gây tác hại vô cùng nghiêm trọng. Khi tình hình kiểm soát sâu bệnh tại các khu vực này trở nên tồi tệ hơn, nguồn cung lương thực toàn cầu có thể bị ảnh hưởng và từ đó ảnh hưởng đến cả giao thương nông sản quốc tế.
Một trong những tác giả của nghiên cứu và trợ lý giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, ông Wang Xuhui cho biết, khi nhiệt độ về đêm tăng cao và số ngày băng giá giảm xuống, số côn trùng đáng nhẽ phải chết trong khoảng thời gian đó sẽ giảm đi. Môi trường cũng sẽ biến đổi trở nên thuận lợi hơn cho các loài sâu bệnh này và các cây trồng sẽ bị ảnh hưởng.
Vào tháng 12, trong một bài đăng trên tạp chí Nature Food, các nhà nghiên cứu nhận định với nguy cơ sâu bệnh được dự kiến ngày càng gia tăng, ưu tiên tiếp theo sẽ được chuyển đổi sang phát triển các phương pháp chống chịu sâu bệnh. Đây là điều cần thiết nếu ngành nông nghiệp muốn thu hẹp khoảng cách năng suất và cung cấp đủ lương thực cho dân số thế giới ngày càng gia tăng trong khi vẫn bảo vệ được môi trường và sức khỏe con người.
Cây trồng trong tương lại sẽ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ sâu bệnh do biến đổi khí hậu. An ninh lương thực do đó cũng sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, ông cho biết tổn thất trong năng suất thu hoạch có thể được hạn chế lại, ông Wang Xu Hui nhận định.
Để đưa ra các biện pháp có thể sử dụng trong trường hợp này bao gồm các công nghệ và biện pháp quản lý phù hợp. Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải có nhiều biện pháp hỗ trợ trong ngành nông nghiệp như công tác đánh giá rủi ro trong tương lai và phát triển các tiến bộ công nghệ.
Bùi Hằng (T/h)