12 khách sạn nào tại Hà Nội cách ly phải tự trả phí?
Tới đây, 12 khách sạn thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Ba Đình, Sóc Sơn (TP.Hà Nội) được bổ sung các trường hợp là F1 được cách ly tự nguyện nhưng phải tự chi trả chi phí.
Xét đề xuất của Liên sở (Sở Du lịch - Sở Y tế), ngày 15/11, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản về việc bổ sung đối tượng cách ly tập trung y tế là người tiếp xúc gần ca bệnh Covid-19 (F1) do người cách ly tự nguyện chi trả chi phí tại các khách sạn cách ly.
Theo đó, 12 khách sạn cách ly tập trung gồm: Khách sạn Hòa Bình; Khách sạn Mường Thanh Hà Nội Grand Centre; Khách sạn Sofitel Legend Metropole HaNoi; Khách sạn Silk Path Hà Nội; Khách sạn Hilton Garden Inn; Khách sạn Hilton Hanoi Opera; Khách sạn Bình An 1; Khách sạn Bình An 2; Khách sạn Bình An 3; Khách sạn Grand Vista; Khách sạn Lake Side; Khách sạn Mường Thanh Grand Xa La. Các khách sạn này thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Ba Đình, Sóc Sơn.
Liên quan đến việc cách ly y tế đối với các trường hợp liên quan đến dịch Covid-19 tại các khách sạn, tính đến ngày 11/11, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại 23 khách sạn trên địa bàn với tổng số 2.640 phòng, tương đương 4.253 giường.
Từ ngày 1/6/2020 đến ngày 11/11/2021, các khách sạn này đã đón và phục vụ 107.120 khách.
TP.Hà Nội cũng giao cho UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Ba Đình, Sóc Sơn phối hợp với Sở Y tế, Sở Du lịch triển khai phương án cách ly tập trung F1 tự nguyện chi trả chi phí tại cơ sở cách ly tập trung của 12 khách sạn trên. Thời gian thực hiện kể từ 15/11.
Trước đó vào ngày 8/11, Sở Du lịch và Sở Y tế đã đề xuất lên UBND TP.Hà Nội cho phép một số khách sạn thực hiện cách ly y tế được đón các trường hợp F1 có nhu cầu cách ly tự nguyện do người cách ly tự chi trả chi phí.
Điều trị F0 không triệu chứng tại các trạm y tế lưu động
Tới đây, TP.Hà Nội sẽ không đưa F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho hay.
Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà bởi các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng.
Theo đó, Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã lưu động được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc để sẵn sàng thiết lập thêm trạm y tế lưu động.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị Covid-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị.
Ngoài ra, hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Tương ứng với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch.
Lý giải cho việc Hà Nội chưa có chủ trương cách ly F1 tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn cho biết: Hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn có thể đảm đương được 60.000 - 70.000 trường hợp F1.
Bên cạnh đó, Thủ đô có đặc thù đất chật người đông, không bảo đảm an toàn khi cách ly tại nhà. Do đó, chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, thành phố mới tính đến phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.
Lan Anh (T/h)