Thứ bảy, 01/02/2025 13:43 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/02/2025 11:00 (GMT+7)

Xuất khẩu xanh - Động lực kiến tạo nền kinh tế hiện đại và bền vững

Theo dõi KTMT trên

Xuất khẩu sản phẩm có "dấu chân carbon thấp" là con đường đầy hứa hẹn cho mục tiêu tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi suy thoái môi trường.

Xuất khẩu xanh - Lựa chọn cho tương lai

Phát triển xanh, bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 của Việt Nam; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 01/10/2021 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg.

Theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm đã khiến khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời giúp xây dựng hình ảnh “xanh” của doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt hóa trong tâm trí khách hàng. Xuất khẩu xanh không chỉ là lựa chọn cho tương lai mà còn là hướng đi bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trên thị trường.

Xuất khẩu xanh - Động lực kiến tạo nền kinh tế hiện đại và bền vững - Ảnh 1
Xuất khẩu xanh là xu thế tất yếu, là hướng đi bắt buộc của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Nếu như trước đây, tiêu dùng xanh chỉ được nhìn thấy ở phân khúc cao cấp, thì nay đã trở thành yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường đối với hàng hoá nhập khẩu. Bản chất của các quy định nhằm đảm bảo mọi mặt hàng đều không gây rủi ro cho môi trường, người dân và chuỗi cung ứng.

Từ khi mở cửa hội nhập đến nay đã gần 40 năm, xuất nhập khẩu là lĩnh vực tăng trưởng rất mạnh tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước xuất khẩu lớn thứ 20 trên thế giới trong số 240 nền kinh tế; đứng top đầu thế giới trong nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hạt điều, dệt may, da giày.

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó lớn nhất là phát triển chưa bền vững, kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng không cao vì xuất khẩu vẫn tập trung số lượng chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường hiện nay tập trung quá lớn vào một số thị trường trong trọng điểm và các sản phẩm chủ lực.

Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu chưa mang hàm lượng khoa học công nghệ cao do chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh, chưa khai thác được việc xuất khẩu dựa trên khoa học công nghệ, năng suất lao động mà chúng ta vẫn xuất khẩu dựa nhiều vào lao động, nguồn lợi thiên nhiên, có nguy cơ dẫn đến ảnh hưởng môi trường.

Doanh nghiệp thay đổi để tiến tới xuất khẩu xanh

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ tháng 4/2022, đặt mục tiêu xuất khẩu phát triển bền vững. Cụ thể, trong chiến lược, đã đưa ra mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, năng suất lao động, bảo vệ môi trường.

Một mục tiêu của chiến lược đưa ra là xuất khẩu gắn với sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa thị trường và đa dạng hoá sản phẩm. Chiến lược cũng đặt ra yêu cầu xây dựng thương hiệu hàng hoá cho các sản phẩm xuất khẩu vì hiện ta có nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng chưa có thương hiệu. Các cơ quan, doanh nghiệp đang nỗ lực đạt được các mục tiêu này để xuất khẩu đi theo hướng bền vững.

Xuất khẩu xanh - Động lực kiến tạo nền kinh tế hiện đại và bền vững - Ảnh 2
Doanh nghiệp cần thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với dòng chảy tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, nhiều thị trường đưa ra các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường để làm chậm lại biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên. Theo đó, sản xuất xanh là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa làm được điều này. Nguyên nhân là về nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa nắm được cụ thể và chi tiết xu thế về tiêu chuẩn xanh, sản xuất xanh trên thế giới, chưa hiểu đây là yêu cầu bắt buộc.

Để xuất khẩu bền vững, theo TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin về sản xuất xanh chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững như thế nào. Nó đã thể hiện trong các quy định mới các nước đưa ra và ta phải đáp ứng, phải tìm hiểu kỹ.

Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin về sản xuất xanh, chuyển đổi xanh là gì, doanh nghiệp phải rà soát trong quy trình sản xuất, kinh doanh xem có những gì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh? Khâu nào cần chuyển đổi, những bước chuyển đổi như thế nào? Tiếp theo đó, doanh nghiệp phải đầu tư cho chuyển đổi xanh. Việc đầu tư này rất tốn kém nhưng doanh nghiệp đã tham gia thì phải chấp nhận.

Doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm và tận dụng sự hỗ trợ bên ngoài, từ tư vấn, hướng dẫn, kết nối, cung cấp tín dụng tài chính… Nguồn hỗ trợ có thể đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, các quốc gia tiên tiến như EU. Doanh nghiệp cần xem việc chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức và khó khăn mà nó là cơ hội lớn để đầu tư, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư quy trình sản xuất, thay đổi thiết bị, nguyên liệu đầu vào. Sự thay đổi sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và về lâu dài thúc đẩy chuyển đổi tốt hơn.

Với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu như sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng nguyên liệu tái chế được. Nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành. Nếu doanh nghiệp đạt chuyển đổi xanh càng sớm, sẽ càng tăng sức cạnh tranh của mình với các đối thủ. Do đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, những chính sách quan trọng mà hiện nay doanh nghiệp cần quan tâm như Thỏa thuận xanh châu Âu; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon; Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.

Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững cho từng ngành, từng lĩnh vực ngay cả tại thị trường Việt Nam, để không chỉ doanh nghiệp nội mà cả các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu xanh và bền vững.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu xanh - Động lực kiến tạo nền kinh tế hiện đại và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trọng trách tiên phong
Tại Việt Nam, kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện vị thế, vai trò của mình trong việc phát triển đất nước.

Tin mới

Tết xa đằm vị quê nhà
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều tạm gác lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống để cùng nhau chuẩn bị một cái Tết ấm cúng, trọn vẹn.