Xử lý ô nhiễm môi trường cần sự chung tay của người dân Bắc Ninh
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn chất thải sinh hoạt, 200 tấn chất thải công nghiệp đưa ra môi trường.
Để việc xử lý rác thải sinh hoạt mang tính bền vững, lâu dài và toàn diện, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án "Phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020". Theo đó, việc xây dựng nhà máy xử lý rác công suất lớn, đặc biệt là dự án đốt rác phát điện đang được các cấp, các ngành ở tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mấu chốt là chưa có được sự đồng thuận của người dân.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn chất thải sinh hoạt, 200 tấn chất thải công nghiệp đưa ra môi trường, trung bình mỗi năm lượng chất thải tăng 15%. Các khu vực thành thị tập trung dân cư là nguồn phát sinh chủ yếu các loại chất thải sinh hoạt, chỉ tính riêng thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn mỗi ngày thải ra hơn 200 tấn rác. Hiện tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư theo hình thức xã hội hóa hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt có công suất khoảng 500 tấn/ngày tại huyện Quế Võ, bước đầu đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải cho khu vực thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ.
Rác thải sinh hoạt được đánh đống ngoài ruộng. |
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, thì việc xây dựng các khu xử lý rác thải là cấp thiết, nhưng trong quá trình thực hiện, Bắc Ninh đang gặp một số vướng mắc về việc chọn địa điểm đặt cơ sở xử lý rác theo đúng quy chuẩn về quy mô và khoảng cách tối thiểu với khu dân cư.
Hiện nay, một số dự án khu xử lý rác thải tập trung liên xã đã và đang được triển khai thực hiện nhưng vẫn đang vướng vì người dân không đồng ý. Tại huyện Yên Phong, huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn mặc dù đã được chấp thuận đầu tư khu xử lý rác thải tập trung, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được vì không tìm được sự đồng thuận từ phía người dân.
Ông Nguyễn Hiền, Cựu chiến binh ở huyện Tiên Du chia sẻ: "Tâm lý chung thì không ai thích làng mình trở thành nơi tập kết, xử lý rác thải. Nếu như các dự án thực hiện bài bản, chuẩn không để ô nhiễm mà làm tốt cho xã hội thì chúng tôi rất ủng hộ".
Việc xử lý ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết, cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Nếu các ngành, các cấp chính quyền địa phương không giải thích cho dân nghe, dân hiểu, không tìm được sự đồng thuận thì các dự án xử lý môi trường sẽ khó có thể thực hiện. Trong khi đó các dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại Bắc Ninh chậm triển khai do còn thiếu công khai quy hoạch. Ông Lưu Xuân Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Bắc Ninh có 8 huyện thị, thì 5 địa phương đã có khu xử lý rác thải tập trung, còn 3 địa phương chưa triển khai được vì vướng mắc trong dân. Hiện tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng một số lò đốt rác công suất nhỏ quy mô liên xã, nhưng mới chỉ đáp ứng xử lý trên 60% lượng rác thải trong dân.
"Về lâu dài Bắc Ninh xây dựng 3 nhà máy đốt rác phát điện. Một khu đã khởi công, một khu đã lựa chọn được nhà đầu tư, một đang giải phóng mặt bằng, khi hoàn thành sẽ xử lý được môi trường ở Bắc Ninh", ông Hùng nói.
Nhà máy đốt rác ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong vẫn chưa hoạt động. |
Hiện quỹ đất tại Bắc Ninh đáp ứng cho việc xây dựng lò đốt rác liên xã công suất nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn. Đối với các dự án đốt rác phát điện công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh quy hoạch 3 vị trí tại huyện Lương Tài, huyện Quế Võ, huyện Thuận Thành bước đầu cũng đã có được sự đồng thuận của người dân. Được biết, các dự án này đều do các nhà đầu tư có năng lực thực hiện, với thiết bị công nghệ tiên tiến trên thế giới do Bộ KH & CN thẩm định. Nếu đúng tiến độ, đến cuối năm sau Bắc Ninh sẽ có một dự án đốt rác phát điện đi vào hoạt động.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở KH & CN tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Định hướng của tỉnh sẽ phát triển khu xử lý tập trung phát điện và đã được các Bộ KH&CN, Bộ TN&MT thẩm định và khuyến khích phát triển. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động thì các khu xử lý rác thải liên xã sẽ chấm dứt và hết vai trò lịch sử của nó".
Trong tương lai gần, khi các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao đi vào hoạt động, sẽ đáp ứng việc xử lý ô nhiễm môi trường và cung cấp một lượng điện năng không nhỏ cho tỉnh Bắc Ninh và ngành điện. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động thì việc thu gom, chôn lấp, đốt rác loại nhỏ gây ô nhiễm môi trường trước đây ở các làng xã của tỉnh Bắc Ninh sẽ chấm dứt. Điều này sẽ làm thay đổi diện mạo, cải thiện môi trường sinh hoạt tại các miền quê ở tỉnh Bắc Ninh.
Mạnh Phương