Xử lý nước thải chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa
Trên cả nước có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.
Bộ Xây dựng vừa phối hợp Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (Tổ chức GIZ) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo thu gom nước thải, thoát nước bền vững và giải pháp chống ngập đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Xử lý nước thải chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu tổng quan quy định về thoát nước và xử lý nước thải, thảo luận kinh nghiệm xây dựng giá dịch vụ thoát nước tại một số địa phương và hướng dẫn xây dựng đề án chống ngập đô thị và mô hình thoát nước bền vững.
Các đô thị Việt Nam nói chung đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do tốc độ tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị lớn. Thế nhưng, thoát nước và xử lý nước thải chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa.
Theo ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu là hệ thống thoát nước chung.
Nước thải sinh hoạt cùng với nước mưa được xả trực tiếp ra các cống, kênh, rạch vào các sông chính của lưu vực. Đa số nước thải từ nhà vệ sinh được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại của mỗi hộ gia đình trước khi xả vào hệ thống thoát nước công cộng.
Tỷ lệ đấu nối thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, trung bình khoảng năm 0,5m/người so với thế giới là 2m/người. Đến nay tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15%.
Trên cả nước có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.
Giải pháp áp dụng giá dịch vụ thoát nước
Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Hạ tầng kỹ thuật và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức đã hợp tác, hỗ trợ trong việc lập tính toán, xây dựng đề xuất giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; hướng dẫn nghiên cứu xây dựng đề án chống ngập đô thị; xây dựng thí điểm mô hình thoát nước bền vững; hỗ trợ chuyên gia nghiên cứu nội dung Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.
Các đơn vị huy động các nguồn vốn cho đầu tư và vận hành hệ thống thoát nước đô thị, nâng cao dịch vụ thoát nước đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường cần có sự quan tâm và vào cuộc của các chính quyền đô thị.
Một trong những biện pháp đang được dư luận quan tâm đó là áp dụng chính sách chia sẻ chi phí thông qua áp dụng giá dịch vụ thoát nước.
Dịch vụ thoát nước là một loại dịch vụ hạ tầng đô thị quan trọng có tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng và bảo vệ môi trường tự nhiên. Cụ thể hơn, dịch vụ thoát nước thúc đẩy điều kiện vệ sinh, nhờ vậy, làm giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật của con người, cũng như bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu sự tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái.
Theo đó, người gây ô nhiễm phải trả tiền dịch vụ. Giá dịch vụ thoát nước được xác định trên nguyên tắc hướng tới thu hồi chi phí để duy trì dịch vụ thoát nước và phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội từng thời kỳ của các đô thị, phù hợp với mức độ đầu tư, chất lượng dịch vụ, có sự khác biệt đối với từng loại khách hàng trên cơ sở khối lượng nước thải và mức độ ô nhiễm của nước thải và phải có khả năng bù chéo...
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Thị Ngọc Bích, chuyên gia tài chính Tổ chức GIZ, nguồn tiền chi cho vận hành hệ thống thoát nước, tiền thu từ người sử dụng dịch vụ (thông qua phí bảo vệ môi trường) còn rất thấp, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chính cho vận hành hệ thống thoát nước.
Do khó khăn về ngân sách, tiền chi cho vận hành hệ thống thoát nước trong thời gian qua rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân đô thị mà nhiều hệ thống thoát nước ở các đô thị bị xuống cấp nghiêm trọng do không có vốn duy tu bảo dưỡng.
Như vậy, để tính đúng tính đủ chi phí vận hành hệ thống thoát nước cần phải tiến hành xác định được đầy đủ khối lượng công việc liên quan đến vận hành hệ thống thoát nước; xác định chi phí dịch vụ thoát nước; xác định giá thành thu gom và xử lý nước thải; đề xuất lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện xây dựng khung chính sách toàn diện để phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước, chống ngập úng thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thoát nước bền vững, làm nền tảng cho các đô thị xanh, đô thị thông minh trong tương lai.
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, khiến nguồn tài nguyên và môi trường, trong đó có tài nguyên nước tại khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vùng ngập lũ của ĐBSCL có sự thay đổi nhanh trong những năm vừa qua do tác động của hệ thống công trình thủy lợi, suy giảm lưu lượng nước phía thượng lưu và tình trạng nước biển dâng phía hạ lưu.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn tại khu vực ĐBSCL là rất cần thiết. Quản lý bền vững tài nguyên nước là một trong những nền tảng căn bản cho sự an toàn, thịnh vượng và bền vững ở nơi này.
Thiện Tâm