Xử lý dứt điểm các điểm "đen" tồn đọng về rác tại TP.HCM
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2020, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, không xả rác ra đường và kênh rạch đã được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố.
Theo ghi nhận, tại khu vực dọc tuyến kênh Ba Bò - đoạn gần cầu Ngô Chí Quốc, khu phố 2, phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, vốn là khu đất trống, trước đây người dân thường mang từng bao tải rác ra đổ thành đống gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong những năm trở gần đây, chính quyền địa phương đã ra quân dọn dẹp và lập chốt trông giữ thì tình trạng bỏ rác thải đã không còn.
Tương tự, để thu gom rác như bàn, ghế, vật dụng sinh hoạt cồng kềnh… của các hộ dân bỏ rác sai giờ quy định dọc tuyến đường Hoàng Sa, UBND phường Tân Định (Quận 1) đã triển khai mô hình “Đội xung kích thu gom rác của các hộ dân bỏ rác sai giờ quy định”, gồm lực lượng công an, quân sự, Ban bảo vệ khu phố, Tổ quản lý trật tự đô thị, trưởng 9 khu phố phường nên tình trạng rác thải đã được xử lý dứt điểm.
Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, không xả rác ra đường và kênh rạch đã được triển khai đồng loạt trên toàn Thành phố.Qua đó, đã tạo ra được chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải. Công tác nạo vét, dọn cỏ rác, vớt lục bình được triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần tạo cảnh quan, thông thoáng dòng chảy.
Đặc biệt, kết quả đạt được mang tính quan trọng, đột phá trong giai đoạn 2016 - 2020 là đã vận động toàn người dân TP.HCM quan tâm phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày, hình thành thói quen tiêu dùng xanh. Thành phố cũng triển khai xây dựng và vận hành nhà máy đốt rác phát điện với công nghệ tiên tiến (3 nhà máy) dần thay thế phương thức chôn lấp truyền thống; mảng xanh được đặc biệt chú trọng góp phần xây dựng Thành phố xanh, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố được đảm bảo kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày với tổng khối lượng thu gom, xử lý trung bình 8.500 tấn/ngày.
Nhiều quận, huyện thực hiện tốt việc ký cam kết giữa người dân và chính quyền trong việc thỏa thuận thời gian thu gom rác, cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, tuyến kênh rạch, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm đáng kể việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng, khu dân cư.
Đến nay, Chương trình đã hoàn thành mục tiêu 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% số bãi chôn lấp chất thải đạt yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh; 100% số hộ dân Thành phố đã được dùng nước sạch; 137/312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường” ;cấp quận, huyện đạt 43,9%.
Đẩy mạnh xây dựng, đầu tư công nghệ cao trong xử lý rác thải
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung các giải pháp ngăn chặn xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Đồng thời, Thành phố tập trung phòng ngừa, giảm thiểu tác động của nước thải, khí thải và chất thải rắn đến môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư; tăng cường sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt Chương trình giảm ô nhiễm môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 với 5 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, Thành phố sẽ tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường;
Đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi, bình đẳng của các nhà đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, các vùng lân cận và quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt thời gian tới, Thành phố đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu chất thải, kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm, kết hợp xử lý chất thải tạo năng lượng, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái; tập trung các giải pháp công trình để phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ huy động trên 41.000 tỷ đồng để đầu tư nhiều nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị nhằm nâng tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt lên 58% vào năm 2025 và 88,3% vào năm 2030.
Hà Ly