Thứ năm, 02/05/2024 10:02 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/11/2020 06:15 (GMT+7)

Xe điện có thật sự bảo vệ môi trường?

Theo dõi KTMT trên

Xe điện được ca ngợi là một trong những công nghệ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt cũng để lại một lượng pin khổng lồ và nếu không được tái chế đúng cách chúng sẽ trở thành mối đe dọa đến môi trường.

Nhắc đến phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường, xu hướng của tương lai là nói đến xe điện. Loại xe này được quảng bá thân thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm, khí thải... và nó trở thành xu hướng của nhiều quốc gia phát triển.

Theo số liệu thống kê mới nhất, thế giới có hơn 3 triệu xe điện đang được sử dụng và doanh số xe điện đang tăng trưởng ở mức gần 75%/năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán, đến năm 2030, sẽ có khoảng 125 triệu chiếc được sử dụng trên quy mô toàn cầu và khả năng sẽ gấp đôi số lượng nếu chính phủ tiếp tục thay đổi luật pháp, mở cửa cho loại xe này. Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, chiếm 1,2 triệu chiếc (tương đương 56% trong tổng số xe điện được bán ra vào năm 2018).

Xe điện có thật sự bảo vệ môi trường? - Ảnh 1
Việc phát triển ồ ạt xe điện cũng để lại một lượng pin khổng lồ và nếu không được tái chế đúng cách chúng sẽ trở thành mối đe dọa đến môi trường. (Ảnh minh họa)

Mỹ đứng ở vị trí thứ 2 nhưng với khoảng cách rất xa, chỉ khoảng 361.000 chiếc mới được bán ra vào năm 2018, hơn một nửa trong số đó là mẫu Tesla 3 mới. Về thị phần, Na Uy đứng đầu khi 49% xe mới được bán ra trên thị trường nước này là xe điện hoặc lai điện.

Vì áp lực phải bảo vệ môi trường nên nhiều quốc gia tại châu Âu tăng cường cấm bán xe mới sử dụng năng lượng hoá thạch. Trong đó, Đức và Anh sẽ cấm bán loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2030, Scotland cấm từ năm 2032 và Pháp, khi đó, người dân sẽ chuyển sang xe sử dụng nhiên liệu có thể thay thế như lai điện, pin nhiên liệu, đặc biệt là xe xe điện.

Tuy nhiên, phía sau những chiếc xe được quảng bá thân thiện với môi trường là đầy rẫy những vấn đề gây ô nhiễm. Cụ thể, dự kiến đến năm 2030, sẽ có khoảng 11 triệu tấn pin lithium-ion đã qua sử dụng bị thải bỏ trong khi số hệ thống để tái sử dụng và tái chế pin trên thế giới lại vô cùng ít ỏi.

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng, ô tô điện có thể gây ra ô nhiễm CRISIS, với hàng ngàn tấn chất thải pin chưa được xử lý, có khả năng làm rò rỉ các hóa chất nguy hiểm vào môi trường.

Số lượng pin xe điện bị loại bỏ đang tạo ra một núi rác thải khổng lồ. Việc này có thể gây ra cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Chính vì vậy, trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học của Đại học Birmingham đã kêu gọi chính phủ các nước phải "hành động ngay để phát triển một kế hoạch tái chế mạnh mẽ, có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai".

Tiến sĩ Gavin Harper nhận định nếu không đẩy mạnh phát triển công nghệ tái chế thì hàng triệu chiếc xe điện được bán trong năm 2017 sẽ tạo ra 250.000 tấn chất thải pin chưa được xử lý trong suốt tuổi đời của chúng.

Theo Tiến sĩ Harper, việc tái chế pin xe điện không hề đơn giản vì có sự đa dạng về hóa học, hình dạng và thiết kế của pin lithium-ion. Để tái chế một cách hiệu quả, số pin này phải được tháo rời và phải phân tách được các dòng chất thải trong các bộ phận cấu thành của chúng. Giống như lithium, pin cũng chứa một số kim loại có giá trị khác như coban, niken và mangan. Những kim loại này có thể được tái sử dụng.

Tiến sĩ Harper cũng cho hay nước Anh sẽ cần phát triển các nguồn cung cấp cho những vật liệu cần thiết cho các loại pin này và vật liệu tái chế có thể đóng vai trò quan trọng.

Còn Giáo sư Andrew Abbott, Đại học Leicester, thông tin nếu điện khí hóa chỉ 2% của đội xe ô tô toàn cầu hiện nay thì số lượng xe điện trên thế giới sẽ đạt 140 triệu chiếc.

Theo Giáo sư Abbott, việc tái chế pin sẽ làm giảm đáng kể gánh nặng cho các bãi rác và giúp đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu quan trọng cần thiết cho sản xuất pin trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị phát triển các phương pháp sửa chữa và tái chế nhanh chóng, đặc biệt là việc lưu trữ pin điện quy mô lớn có khả năng không an toàn.

Giáo sư Paul Christensen, Đại học Newcastle, đang hợp tác với ngành dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ của Anh để phát triển các biện pháp đối phó với các vụ cháy pin lithium-ion. Giáo sư Christensen nói: "Những pin này chứa lượng điện năng lớn và hiện chúng tôi vẫn chưa có phương án xử lý khi chúng được sử dụng hết".

"Một trong những lĩnh vực nghiên cứu ở dự án này là xem xét tự động hóa và làm thế nào để có thể tháo dỡ pin một cách an toàn, hiệu quả và thu hồi các vật liệu có giá trị như lithium và coban. Song cũng cần tính đến vấn đề an toàn công cộng khi pin xe điện đời thứ 2 trở nên phổ biến hơn. Chúng ta cần nhanh chóng có cái nhìn thấu đáo về toàn bộ vòng đời của pin - từ việc đào các vật liệu lên khỏi mặt đất cho đến việc xử lý chúng một lần nữa ở khâu cuối cùng", Giáo sư Christensen cho biết.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Xe điện có thật sự bảo vệ môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới