Chủ nhật, 24/11/2024 12:12 (GMT+7)
Thứ tư, 15/03/2023 10:50 (GMT+7)

Xây dựng kế hoạch hành động trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo dõi KTMT trên

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xây dựng với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Mới đây, Hội thảo “Tham vấn đề cương kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực trọng tâm trong thực hiện kinh tế tuần hoàn” do Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường và Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo đó, kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cách tiếp cận phát triển kinh tế thay thế cho cách tiếp cận kinh tế tuyến tính trước đây. Kể từ năm 2020, khái niệm KTTH đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thực hiện theo Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH trước ngày 31/12/2023. 

Theo ông Michael Siegner – Trưởng đại diện Quỹ HSF tại Việt Nam, KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới và là giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức của toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải. 

Xây dựng kế hoạch hành động trong phát triển kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Mô hình KTTH được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế giới sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về kinh tế tuần hoàn vào trong hệ thống khung khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học. Từ đó, đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.

Ở Việt Nam, xây dựng kinh tế xanh, KTTH, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương "xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường", "xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn".

Đặc biệt, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, Nghị định 08 ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển KTTH.

Cũng trong thời gian qua, ISPONRE đã xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH. Chia sẻ về dự thảo đề cương Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH tại Việt Nam, TS. Lại Văn Mạnh – đại diện ISPONRE cho biết: Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Đồng thời, phát triển các thói quen tốt, tiến tới tạo dựng nét văn hóa trong áp dụng KTTH; hình thành xã hội tuần hoàn, áp dụng các mô hình sản xuất và tiêu dùng, mô hình kinh doanh tuần hoàn trở thành phổ biến trong xã hội.

Cùng với đó, khai thác triệt để tiềm năng về đổi mới, sáng tạo để áp dụng KTTH ngay từ giai đoạn thiết kế và triển khai các hệ thống sản xuất bền vững và hiệu quả hơn. Lựa chọn áp dụng mô hình KTTH phổ biến và phù hợp với đặc trưng của từng vùng, miền, ngành và lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên, tác động tích cực và bền vững đến cuộc sống của con người và môi trường.

Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, hình thành và phát triển thị trường các hàng hóa và dịch vụ liên quan đến KTTH. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ, cung cấp thông tin, dữ liệu và phát triển Mạng lưới KTTH tại Việt Nam. Huy động nguồn nhân lực, tài chính và phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Theo dự thảo Kế hoạch, một số ngành, lĩnh vực và dự án trọng tâm thực hiện KTTH bao gồm: Khai thoáng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; giao thông vận tải; năng lượng; chế biến, chế tạo; xây dựng; xử lý, cung cấp nước; dịch vụ sửa chữa, tân trang, phục hồi, tư vấn, đánh giá; du lịch và thương mại; thông tin, truyền thông; quản lý chất thải (ưu tiên chuyển hoá thành tài nguyên, năng lượng).

Cùng với kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp, mô hình KTTH được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang KTTH trở thành xu thế phát triển tất yếu, một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam.

"Với xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh, KTTH là một trong những mục tiêu cần hướng đến và việc ra các chính sách phù hợp từ phía Chính phủ là rất quan trọng. Ngoài ra, cần xây dựng khung pháp luật và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTH. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ các mô hình KTTH, chú trọng tới hiệu quả đầu tư và phát triển KTTH, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển KTTH", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhận định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng kế hoạch hành động trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới