Xây dựng công cụ pháp lý quốc tế, chấm dứt ‘ô nhiễm nhựa’ toàn cầu
Vấn đề ô nhiễm nhựa có tính chất xuyên biên giới và cần được giải quyết với những hành động tích cực ở nhiều quốc gia khác nhau để ngăn chặn. Do đó, Dự thảo Nghị quyết "Chấm dứt ô nhiễm nhựa" sẽ là một cam kết mang tính lịch sử trên toàn thế giới.
Cần thiết xây dựng Ủy ban liên Chính phủ về ô nhiễm nhựa
Tại hội nghị Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) tại Nairobi (Kenya) đầu tháng 3/2022, Nghị quyết “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế" đã được 175 nước thông qua dựa trên ba dự thảo Nghị quyết ban đầu từ các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết "Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế" là một cam kết mang tính chất lịch sử chấm dứt ô nhiễm nhựa tại các quốc gia trên toàn thế giới. Nội dung của Nghị quyết hướng đến một cam kết có tính chất pháp lý toàn cầu và ấn định thời hạn nhất định cho mỗi quốc gia phải tìm kiếm vật liệu thân thiện với môi trường, nâng cao tính chất tuần hoàn của nhựa, giảm rác thải nhựa, tăng cường tái chế.
Đồng thời, Dự thảo Nghị quyết cũng lưu ý những tác động cụ thể của vấn nạn ô nhiễm nhựa đối với biển, môi trường biển và các môi trường khác, đặc biệt trong môi trường biển, vấn đề ô nhiễm nhựa có tính chất xuyên biên giới và cần được giải quyết với những hành động tích cực ở nhiều quốc gia khác nhau để ngăn chặn.
Dự thảo cũng nhấn mạnh cần thiết phải thiết lập một Ủy ban liên chính phủ về ô nhiễm nhựa để thực hiện đàm phán. Dự kiến, Ủy ban này sẽ hình thành và hoạt động vào nửa cuối năm 2022 với tham vọng hoàn thành một Nghị quyết mang tính ràng buộc pháp lý hoàn chỉnh vào năm 2024. Công cụ ràng buộc pháp lý này nhằm đưa ra một cam kết để xây dựng năng lực và hỗ trợ tài chính hiệu quả giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi.
Đáng chú ý, Nghị quyết hoàn chỉnh sẽ là một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý, phản ánh các lựa chọn thay thế đa dạng để giải quyết vòng tuần hoàn của nhựa, thiết kế các sản phẩm và vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế, và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực và hợp tác khoa học kỹ thuật .
Một công cụ pháp lý có tính ràng buộc cũng xác định các mục tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững nhựa, bao gồm thiết kế sản phẩm và quản lý chất thải hợp lý với môi trường; thông qua các phương pháp tiếp cận hiệu quả tài nguyên và kinh tế tuần hoàn. Đồng thời thúc đẩy các biện pháp hợp tác quốc gia và quốc tế để giảm thiểu nhựa ô nhiễm môi trường biển.
Về phía các quốc gia cũng phải xây dựng, thực hiện và cập nhật các kế hoạch hành động quốc gia thể hiện các phương pháp tiếp cận dựa vào quốc gia để đóng góp vào các mục tiêu của công cụ; Thúc đẩy các kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ ô nhiễm nhựa. Và để hỗ trợ khu vực và quốc tế, hàng năm, các quốc gia phải cập nhật báo cáo quốc gia vào thời điểm thích hợp; Định kỳ đánh giá tiến độ thực hiện công cụ; Định kỳ đánh giá hiệu quả của công cụ trong việc đạt được mục tiêu; Đưa ra các đánh giá khoa học và kinh tế xã hội liên quan đến nhựa sự ô nhiễm; Nâng cao kiến thức thông qua nâng cao nhận thức, giáo dục và thông tin…
Cùng với đó, công cụ pháp lý này cũng khuyến khích hành động của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân, và thúc đẩy hợp tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương; Các quốc gia cũng thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, giá cả phải chăng, sáng tạo và các phương pháp tiếp cận hiệu quả về chi phí…
Dự thảo Nghị quyết cũng khẳng định lại nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 70/1 ngày 25 tháng 9 năm 2015, đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Khẳng định lại các nguyên tắc của Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển bền vững vào năm 1992; đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tăng cường ứng dụng khoa học và xây dựng chính sách ở tất cả các cấp của mỗi quốc gia trong việc cải thiện hiểu biết về tác động toàn cầu của ô nhiễm nhựa đối với môi trường, thúc đẩy hiệu quả và các hành động tiến bộ ở cấp địa phương, khu vực và toàn cầu.
Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thiết kế bền vững của sản phẩm và vật liệu để chúng có thể được tái sử dụng, tái sản xuất hoặc tái chế và do đó được giữ lại trong nền kinh tế cũng như giảm thiểu việc tạo ra chất thải, góp phần đáng kể vào việc sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững.
Việt Nam hành động mạnh mẽ loại bỏ ô nhiễm nhựa
Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng và đồng hành cùng với quốc tế trong các tiến trình nhằm hướng tới một khung thoả thuận toàn cầu nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Cụ thể, năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Trong năm 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các đối thoại song phương và đa phương với chính phủ các nước, thảo luận các giải pháp tối ưu và xây dựng các cơ chế tiềm năng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động tham gia trong tiến trình hình thành Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) và thể hiện sự ủng hộ của mình bằng việc cử đại diện tham gia Nhóm công tác đặc biệt về rác thải nhựa đại dương của Hội đồng môi trường của Liên hợp quốc (AHEG). Đồng thời, vào tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu xây dựng động lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã được tạo ra từ rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế trước đó và đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này tại UNEA-5.2. Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng. "Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực".
Do đó, để giảm thiểu nạn “ô nhiễm trắng” trên các vùng biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương, đảm bảo 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đây cũng là cam kết của Việt Nam để duy trì sự bền vững, đồng thời phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu. Cho nên, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới.
Chính vì vậy, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất.
Lan Anh