Thứ bảy, 27/04/2024 00:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/03/2022 10:00 (GMT+7)

Hành động khẩn cấp để chống ô nhiễm nhựa

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm nhựa, nếu không được kiểm soát, sẽ trở thành một yếu tố góp phần vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6. Cảnh báo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đang thúc đẩy nước ta nỗ lực hơn để chống lại ô nhiễm nhựa.

Sáng 26/3, tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Tổ chức Sáng kiến các đô thị giảm nhựa của WWF và UBND huyện Côn Đảo đã tổ chức lễ ký cam kết "Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa". 

Đô thị giảm nhựa là một sáng kiến của WWF Việt Nam nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF xây dựng năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. 

Theo ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Hiện UBND huyện Côn Đảo đã ban hành và bắt đầu triển khai kế hoạch Hành động để đạt mục tiêu giảm 30% lượng rác nhựa thất thoát ra môi trường đến năm 2025. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị xã hội sẽ có ý nghĩa quyết định cho việc triển khai các chương trình này.

Hành động khẩn cấp để chống ô nhiễm nhựa - Ảnh 1
Tổ chức Sáng kiến các Đô thị giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và UBND huyện Côn Đảo ký cam kết “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa”

Như vậy, đến thời điểm này, Côn Đảo là địa phương thứ 9 (sau TP. Phú Quốc và TP. Rạch Giá (Kiên Giang); quận Thanh Khê (TP.  Đà Nẵng); tỉnh Phú Yên; TP. Tân An (Long An); huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế); TP. Huế và TP. Hà Tĩnh(tỉnh Hà Tĩnh) và thứ 34 trên thế giới tham gia vào mạng lưới các đô thị giảm nhựa. Đây là một nỗ lực của các địa phương nhằm chóng ô nhiễm nhựa, một trong những yếu tố góp phần vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 - như WWF đã cảnh báo.

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines) về lượng rác thải nhựa xả ra đại dương. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra biển từ 300.000 đến hơn 700.000 tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới). 

Chính vì vậy, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 đã được ban hành tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch quốc gia ven biển... Ngoài ra các Bộ ngành, địa phương liên quan sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển.

S.H

Bạn đang đọc bài viết Hành động khẩn cấp để chống ô nhiễm nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới