Thứ sáu, 22/11/2024 18:06 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/07/2021 11:06 (GMT+7)

Xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn về khai thác, sử dụng khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, công tác khai thác khoáng sản đã gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh - quốc phòng, công nghiệp khai khoáng nước ta cũng chuyển từ phát triển theo “bề rộng” dần chuyển sang “chiều sâu”.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã họp phiên trực tuyến đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo cùng Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn về khai thác, sử dụng khoáng sản - Ảnh 1
Công tác khai thác khoáng sản gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh - quốc phòng. (Ảnh: vinacomin.vn)

Ngày 25/4/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sau 10 năm thực hiện, các quan điểm, chính sách của Nghị quyết được thể chế hóa, một số mục tiêu đã đạt được kết quả đáng kể.

Cụ thể, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được quan tâm đầu tư với nhiều loại khoáng sản quan trọng, chiến lược được điều tra, đánh giá tạo tiền đề phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quy mô lớn như: titan, đất hiếm, urani, đá ốp lát… một số mỏ quy mô lớn, trung bình đang khai thác, chế biến hiệu quả… Công tác khai thác khoáng sản đã gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh - quốc phòng, công nghiệp khai khoáng nước ta đã chuyển từ phát triển theo “bề rộng” dần chuyển sang “chiều sâu”.

“Mặc dù đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên, sau 10 năm, một số mục tiêu của Nghị quyết vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, bối cảnh nền kinh tế thế giới sau 10 năm có nhiều thay đổi, chuyển từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, “kinh tế tuần hoàn” và đang ở thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần có những định hướng mới trong chiến lược khoáng sản cũng như phát triển công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn tới.

Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo được thành lập với mục tiêu đánh giá công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW sau 10 năm thực hiện; đồng thời xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 02-NQ/TW để trình Bộ Chính trị vào tháng 11/2021”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, các vị đại biểu tham dự cuộc họp trao đổi, thảo luận và tham góp ý kiến để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Trong đó, đưa ra những ý kiến đóng góp để đặt vị trí ngành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đúng với tầm vóc và phù hợp với thực tiễn. Bởi hiện nay, trên thế giới, ngành điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là ngành quan trọng đáp ứng cho phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, đưa ra những chiến lược, quy hoạch dài hạn về việc khai thác và sử dụng khoáng sản.

Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cùng các đại biểu tham dự đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tổng kết, đánh giá về việc thể chế hóa các quan điểm về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng nêu trong Nghị quyết; kết quả thực hiện các mục tiêu chính và mục tiêu cụ thể của Nghị quyết trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và ngành công nghiệp khai khoáng; đánh giá việc thực hiện các chính sách; các giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng nêu trong Nghị quyết.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; đề xuất việc tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh, bổ sung các quan điểm, chính sách của Nghị quyết; các quan điểm mới cần bổ sung.

Theo Bộ TN&MT, tính đến năm 2020, cả nước đã khoanh định 48 khu vực cho 10 loại khoáng sản là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trong đó titan chiếm tỉ lệ cao nhất là 23 khu vực, với tổng số diện tích là 1.140 km2, phân bố chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tiếp đó là than nâu, than antraxit với 6 khu vực có diện tích 1.456 km2, trữ lượng 40,732 tỉ tấn; 4 khu vực cát trắng có trữ lượng 1,1 tỉ tấn; 3 khu vực bauxite, trữ lượng 917 triệu tấn; 3 khu vực apatit với diện tích 332 km2, có trữ lượng 1,6 tỉ tấn quặng apatit loại IV. Các khu vực dự trữ khoáng sản còn lại như đá trắng, đất hiếm, chì - kẽm, quặng cromit có trữ lượng không lớn được khoanh định do nằm trong các khu vực có công trình văn hóa, khu vực bảo tồn, khu vực rừng đặc dụng,…

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) cho rằng, việc sử dụng như thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật... hiện nay đang là vấn đề cốt lõi.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn về khai thác, sử dụng khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới