Đề xuất xử lý vi phạm quản lý khoáng sản tại khu vực dự trữ quốc gia
Theo đề xuất của Bộ TN&MT, các hành vi vi phạm về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 150 triệu đồng.
Bộ TN&MT đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản... ; trong đó bộ đề xuất quy định mới xử lý vi phạm quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Theo Bộ TN&MT, hiện có nhiều dự án xây dựng công trình được triển khai trên khu vực đất mà bên dưới là khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Vì thế, để ngăn chặn các vi phạm, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản tại khu vực nêu trên, dự thảo Nghị định đề xuất bổ sung thêm Điều 54a về “vi phạm quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.”
Cụ thể, dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, báo cáo khối lượng khoáng sản thu hồi với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án.
Mức phạt trên sẽ tăng lên từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh - nơi có dự án để gửi văn bản cho Bộ TN&MT tổ chức kiểm tra, khoanh định phạm vi khu vực có khoáng sản bị tác động trong trường hợp khi triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia mà bắt buộc phải san gạt, đào đắp...
Riêng hành vi thu hồi khoáng sản vượt quá phạm vi hoặc khối lượng khoáng sản mà Bộ TN&MT đã khoanh định và được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án cho phép hoặc lập báo cáo sai về khối lượng khoáng sản thu hồi trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, sẽ bị phạt từ 50 đến 100 triệu đồng.
Đặc biệt, mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bên cạnh việc phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm một trong các hành vi trên còn phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép thu hồi hoặc phạm vi dự án về trạng thái an toàn; buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực khoáng sản; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc.
Theo Bộ TN&MT, tính đến năm 2020, cả nước đã khoanh định 48 khu vực cho 10 loại khoáng sản là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trong đó titan chiếm tỉ lệ cao nhất là 23 khu vực, với tổng số diện tích là 1.140 km2, phân bố chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tiếp đó là than nâu, than antraxit với 6 khu vực có diện tích 1.456 km2, trữ lượng 40,732 tỉ tấn; 4 khu vực cát trắng có trữ lượng 1,1 tỉ tấn; 3 khu vực bauxit, trữ lượng 917 triệu tấn; 3 khu vực apatit với diện tích 332 km2, có trữ lượng 1,6 tỉ tấn quặng apatit loại IV. Các khu vực dự trữ khoáng sản còn lại như đá trắng, đất hiếm, chì-kẽm, quặng cromit có trữ lượng không lớn được khoanh định do nằm trong các khu vực có công trình văn hóa, khu vực bảo tồn, khu vực rừng đặc dụng,…
Hùng Võ