Thứ sáu, 29/03/2024 12:08 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 18:00 (GMT+7)

WHO: Ấn tượng với tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Sáng ngày 11/1, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao thành công chiến lược vaccine của Việt Nam khi là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.

Việt Nam với độ bao phủ vaccine cao

Việt Nam đang phấn đấu trong quý I/2022 sẽ hoàn thành tiêm mũi 3 cho tất cả người từ 18 tuổi và trong tháng 1/2022 hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 17 tuổi, đồng thời nghiên cứu, theo dõi kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của WHO để có thể triển khai tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi an toàn, sớm đưa trẻ em quay lại trường học.

Với độ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đã kịp thời chuyển phương châm chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện khôi phục, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong Quý 4/2021 đạt trên 5%, góp phần đưa GDP cả năm đạt 2,58%, cao hơn năm 2020. Với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 670 tỷ USD, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Tại buổi làm việc sáng ngày 11/1, Thủ tướng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong phòng chống dịch, như khi chưa có đủ vaccine thì buộc phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp hành chính để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch; người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; hết sức linh hoạt để thích ứng phù hợp, hiệu quả với mọi diễn biến của tình hình.

WHO: Ấn tượng với tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam - Ảnh 1
 Biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” của Việt Nam để nâng cao độ bao phủ vaccine. (Ảnh: Báo Công an Nhân dân)

Ông Takeshi Kasai bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ sớm các nước trong phòng chống dịch và có đóng góp tích cực với WHO, cơ chế COVAX; đánh giá rất cao tầm nhìn của Việt Nam về bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt về vấn đề vaccine, đã quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine và đạt tỷ lệ tiêm chủng rất cao. Ông Takeshi Kasai đặc biệt ấn tượng việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vaccine.

Nhấn mạnh chủng Omicron lây lan rất nhanh, gây ra số ca mắc tăng cao trên thế giới, ông Takeshi Kasai ủng hộ tầm nhìn, quan điểm trong chương trình tổng thể phòng chống dịch Covid-19 đang được Chính phủ xây dựng để có thể ứng phó linh hoạt với các biến chủng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của vaccine, chú trọng bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu, đề cao ý thức người dân trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng và quốc gia.

Đặc biệt, ông Takeshi Kasai đánh giá cao việc Việt Nam đang tiếp tục điều chỉnh các biện pháp một cách phù hợp với biến chủng Omicron như tăng cường chăm sóc, hồi phục tại nhà với những người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để tránh quá tải hệ thống y tế, đồng thời điều trị kịp thời, tích cực các ca chuyển nặng tại các cơ sở y tế.

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” của Việt Nam là cách hiệu quả nhất để nâng cao độ bao phủ vaccine, bảo vệ sinh mạng, sức khỏe cho người dân, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế. Ông nhất trí cao với chủ trương của Việt Nam trong nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng cường nhân lực y tế, không chỉ để phòng chống Covid-19 mà còn ứng phó hiệu quả với tình trạng già hóa dân số trong tương lai.

Các đại diện của WHO bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua; đánh giá cao tầm nhìn “vượt thời gian” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục ứng phó hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và về lâu dài, sẽ trở thành một điển hình trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực y tế; khẳng định WHO sẽ tích cực đồng hành, ủng hộ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình này.

Nhiều nước đẩy mạnh nghiên cứu vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi

Hầu hết với các loại vaccine Covid-19 đã được phê duyệt đến nay, thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên có thể được chủng ngừa, nhưng trẻ nhỏ hơn thì chưa đủ điều kiện. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trẻ em phần lớn được theo dõi là ít chịu ảnh hưởng hơn, với tỷ lệ nhiễm, nhập viện và tử vong hiếm hơn so với người lớn.

Tuy nhiên không phải vì vậy mà vaccine cho lứa tuổi này bị bỏ quên. Lý do mà các loại vaccine Covid-19 dành cho trẻ em được công bố thường chậm hơn là do bất cứ vaccine kháng virus nào dành cho đối tượng này cũng mất nhiều thời gian để phát triển hơn so với chế phẩm tương tự dành cho người lớn. Điều này thường đúng với mọi loại virus, chứ không chỉ riêng với virus SARS-CoV-2.  

Kịch bản tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ - nước chủ nhà của 2 loại vaccine Covid-19 công nghệ mRNA Pfizer và Moderna.

WHO: Ấn tượng với tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam - Ảnh 2
Trẻ em dưới 12 tuổi ở Mỹ chưa được xem là đối tượng đủ điều kiện để tiêm vaccine Covid-19. (Ảnh: BBC)

Hiện nay, trẻ em dưới 12 tuổi ở Mỹ chưa được xem là đối tượng đủ điều kiện để tiêm vaccine Covid-19. Ngay từ tháng 8/2021, nhiều trường học ở Mỹ phải trì hoãn thời điểm khai giảng năm học mới hoặc đóng cửa do đại dịch Covid-19. Trong đó, các trường bị tác động nặng nề nhất nằm ở khu vực phía Nam – tâm chấn của làn sóng dịch bệnh do có tỷ lệ tiêm chủng được đánh giá là thấp nhất cả nước.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tiến sỹ Anthony Fauci – chuyên gia hàng đầu của Mỹ về dịch bệnh truyền nhiễm cho biết, dự kiến vào đầu tháng tới, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ có đủ dữ liệu để xem xét về mức độ an toàn khi chủng ngừa cho trẻ em dưới 12 tuổi. Chuyên gia này cũng đồng thời tỏ rõ quan điểm ủng hộ việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em ở độ tuổi đến trường do biến thể Delta đang làm gia tăng số ca nhiễm trên toàn quốc.

Được biết, hiện các hãng dược phẩm lớn của Mỹ là Moderna, Pfizer và đối tác Đức BioNTech đang đẩy mạnh việc nghiên cứu vaccine cho trẻ em. Dự kiến, vaccine của các hãng này sẽ được FDA cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi trước mùa nghỉ lễ sắp tới ở Mỹ.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết WHO: Ấn tượng với tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.