WB cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, giảm nghèo và tăng trưởng xanh
WB sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam, Bộ TN&MT để hiện thực hóa, giúp Việt Nam phát triển bền vững, giảm nghèo và tăng trưởng xanh.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã có buổi làm việc với bà Valeria Hickey – Tân Giám đốc Toàn cầu về Môi trường, Tài nguyên và Kinh tế biển của Ngân hàng thế giới (WB) trong chiều ngày 24/2.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam kỳ vọng có được sự phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng thế giới trong việc huy động các kênh tài chính để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26”.
Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của WB cho Bộ TN&MT trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong tháng 12 vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương triển khai những nhiệm vụ cụ thể, như xây dựng Ban thư ký và kế hoạch thực hiện JETP. Đây là nhiệm vụ khó khăn vì chưa có nhiều tiền lệ trên thế giới. Việt Nam đang cố gắng để nghiên cứu tìm hiểu, trao đổi với các đối tác để tìm ra mô hình phù hợp, mang màu sắc Việt Nam.
Đặc biệt, trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam xác định, sự quyết tâm của Chính phủ là chưa đủ mà cần sự chung tay của cả người dân, doanh nghiệp. Sự thành công của JETP cần được chứng tỏ rằng sẽ vận động được sự tham gia tích cực của khối tư nhân vào chuyển đổi năng lượng. Việc này phải đảm bảo công bằng cho các đối tượng. Và Việt Nam, với khát vọng thực hiện JETP nhanh và hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, mà WB luôn là đối tác tin cậy.
Trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng, bài toán đặt ra là huy động tài chính từ đâu, xác định rõ rào cản và tháo gỡ các rào cản đó.
Đối với vấn đề tài chính khí hậu, theo đề xuất của các cán bộ Bộ TN&MT, WB có thể quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong tiếp cận nguồn lực tài chính ưu đãi từ các Quỹ đầu tư khí hậu (CIFs), nhất là trong bối cảnh Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang thiếu hụt nguồn lực tài chính, khó khăn thách thức do biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và khó dự đoán.
Bên cạnh đó, với kinh tế biển, Bộ TN&MT và WB có thể phối hợp tiếp cận quy hoạch không gian biển quốc gia bằng cách hỗ trợ Việt nam trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kinh nghiệm quy hoạch không gian biển. Cùng với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng biển như điện gió ngoài khơi. “WB có thể tạo một cơ chế tài chính thân thiện cho các hoạt động của các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào thị trường này” – đại biểu của Bộ TN&MT đề xuất.
Đề cập đến việc Việt Nam thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thứ trưởng đề nghị WB chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện EPR ở các cấp.
Về quản lý rác thải nhựa, tiếp tục hành trình đã và đang thực hiện, WB có thể hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động của các địa phương và phân tích các vấn đề liên quan đến việc tham gia Thỏa thuận toàn cầu về phòng chống ô nhiễm nhựa.
Trước đó, nhằm thực hiện các mục tiêu tham vọng về năng lượng và khí hậu, thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) được ký kết ngày 14/12 (theo giờ Hoa Kỳ) trị giá 15,5 tỷ USD.
Thỏa thuận Đối tác này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng và khí hậu: cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Việt Nam là nước thứ 3 ký kết JETP sau thành công của JETP với Nam Phi trong COP26 và JETP với Indonesia trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm nay. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, JETP của Việt Nam sẽ minh chứng rằng phát triển kinh tế có thể không phải nhờ đến việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
JETP của Việt Nam được xây dựng trên Đối tác G7 về Đầu tư hạ tầng toàn cầu (PGII) của Vương quốc Anh nhằm thu hẹp khoảng trống đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Các nhà lãnh đạo G7 nhất trí trong tháng 6/2022 sẽ tiếp tục đàm phán JETP với các nước khác là một kết quả quan trọng của PGII.
Lan Anh