VUSTA góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030
Ngày 8/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý “Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 62/63 đầu cầu của Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đại biểu, nhà khoa học. TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA và PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA cho biết, xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là của tất cả các ngành, các cấp. Do đó, rất cần sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược sau này. Và mong rằng, trong hội thảo này, các nhà khoa học sẽ có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo để hoàn thiện sớm nhất.
PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Chiến lược được xây dựng trên tinh thần đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Kết quả nghiên cứu phải đưa vào doanh nghiệp, đem lại giá trị. Muốn làm thế, phải tạo cơ chế để doanh nghiệp có động lực đổi mới công nghệ. Ngoài ra, một trong những mục tiêu của chiến lược lần này là đưa trường đại học thực sự trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Chiến lược xây dựng sát với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó có đổi mới mô hình tăng trưởng. Thay vì tăng trưởng bằng lao động giá rẻ, phải chuyển sang tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Nội dung Chiến lược cũng xây dựng từ việc xác định những xu thế chính của thế giới gồm xu thế toàn cầu hóa, xu thế chuyển đổi số và xu thế về biến đổi khí hậu, các thách thức an ninh phi truyền thống.
Hiện trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa bắt kịp với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp phần đông vẫn đang dừng ở công nghệ 2.0, tự động hóa thấp. Chỉ có một số rất ít doanh nghiệp lĩnh vực tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông... có thể ứng dụng robot hay AI. Do vậy, chúng ta phải chọn một số lĩnh vực để làm chủ chứ không đủ năng lực để đi đầu trong 10 năm tới ở tất cả các lĩnh vực công nghệ.
"Việc xây dựng Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một bước cụ thể hóa các nội dung về KH,CN&ĐMST được đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030", Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định.
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam thông tin, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối phát KHCN&ĐMST của Đảng, Nhà nước đã được ban hành; Đặc biệt, bám sát và cụ thể hóa các nội hàm về lĩnh vực này trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Theo ông Hồng, về năng lực nghiên cứu – đổi mới sáng tạo, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hầu như xuất phát từ khu vực tư nhân, khu vực doanh nghiệp. Điều doanh nghiệp cần là ưu đãi thuế - từ việc lập quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phản ánh là thủ tục thực hiện thuế làm không nổi. Tình trạng doanh nghiệp có quỹ lên đến con số hàng trăm tỉ đồng, nhưng không thực hiện được thủ tục thuế. Vậy nên ưu tiên đánh giá xem là một giải pháp căn bản như vậy? Gỡ vướng về thủ tục tài chính cho doanh nghiệp, cũng như cho quản lý khoa học công nghệ nói chung.
Bên cạnh đó, ông Hồng cho hay về tổ chức thực hiện, bên cạnh Bộ KH&CN cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, đề nghị bổ sung mục riêng cho Bộ GD&ĐT mà không xếp chung cùng nhóm các Bộ, CQNB khác, vì đào tạo và nghiên cứu khoa học cần phải gắn kết chặt chẽ, cần thúc đẩy sinh viên các trường đại học nghiên cứu khoa học, yêu cầu giáo viên phải nghiên cứu khoa học. Bộ GD&ĐT cũng quản lý trực tiếp số lượng lớn các trường đại học với nhiều cơ sở nghiên cứu, còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.
Trong khi đó, theo TS Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch VUSTA, trên thực tế có một số mục tiêu của chiến lược giai đoạn 2011-2020 đã không đạt, do vậy khi xây dựng mục tiêu của chiến lược lần này, cần đưa ra các con số có tính khả thi cao. Ngoài ra, nên có phần dự báo các kịch bản không mong muốn có thể xảy ra, tránh được hạn chế đã xảy ra ở giai đoạn trước.
TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đề xuất đưa vào chiến lược yêu cầu thành lập Hội đồng KHCN quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành là thành viên. "Có như thế thì ý kiến của các nhà khoa học mới được triển khai dễ dàng. Các chính sách của địa phương phải dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ" - ông Rao nói.
Đối với việc phát triển các tổ chức KHCN, ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đề nghị cân nhắc giải pháp hình thành các đơn vị/nhóm đặc trách KHCN đa ngành. Các nhóm này có mục tiêu ứng dụng một nhiệm vụ nào đó, ví dụ như phát triển đường sắt cao tốc, vệ tinh cỡ nhỏ hay xây dựng đô thị thông minh...
Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, Dự thảo theo Quyết định của Thủ tướng nên phải đầy đủ hơn, vì đây là văn bản rất quan trọng để từ đó triển khai. Do đó cần phải bám sát hơn với Dự thảo Chiến lược.
Vấn đề dự báo của Chiến lược cũng phải được đề cập chi tiết. Hình hài sẽ như thế nào để giải pháp có định lượng, định tính. Kế hoạch cụ thể thực hiện với việc đổi mới mô hình quản lý, tổ chức và triển khai nhiệm vụ KHCN...
TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, khoa học, nghiêm túc, toàn diện của Ban soạn thảo Chiến lược. Theo đó, về cơ bản thống nhất với phương pháp nghiên cứu, bố cục, nội dung và giải pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ Dự thảo, các đại biểu vẫn còn một số vấn đề băn khoăn như: Mục tiêu lớn, giải pháp lớn nhưng nguồn lực để đảm bảo chưa phù hợp, nhất là từ nguồn Nhà nước. Vì sao chiến lược đã có nhiều, văn bản không thiếu nhưng việc đưa vào cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải chăng tính pháp lý chưa đủ? Các đại biểu cũng đã đề cập đến vấn đề chiến lược của Việt Nam mới ban hành về cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Tất cả có mối quan hệ như thế nào?
Kết luận buổi hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng đánh giá, các bài tham luận, thảo luận của các đại biểu đều có sự chuẩn bị công phu, sâu sắc và VUSTA sẽ tập hợp thành báo cáo để gửi tới Ban soạn thảo, Bộ KH&CN.
Trong nhiệm kỳ VII, các hội thành viên gồm các Liên hiệp Hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Liên hiệp Hội địa phương) và các hội ngành toàn quốc đã thực hiện trên 2.000 đề tài/dự án cấp cơ sở, trên 300 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh, hàng chục đề tài/dự án cấp nhà nước.
Các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng tích cực tham gia thực hiện và đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống ở các lĩnh vực khác nhau, phổ biến nhất là lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, điển hình như: Trung tâm công nghệ Hóa - Sinh ứng dụng đã nghiên cứu và sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh đái tháo đường với giá thành chỉ bằng 2/5 so với các loại nhập khẩu, Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ Hóa - Sinh đã cho sản xuất hàng loạt chế phẩm sinh học giúp phục hồi và nâng cao năng suất cà phê tại Tây Nguyên và đã được thương mại hóa rộng rãi.
Thanh Tân