Vượt qua thách thức phát triển bền vững, xuất khẩu da giày đạt hơn 27 tỷ USD
Dù gặp nhiều khó khăn về phát triển bền vững, năm 2024 ngành da giày - túi xách vẫn đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 27 tỷ USD, tăng 11,45% so với năm 2023...
Năm 2024 ngành da giày, túi xách của Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.
Thách thức đầu tiên là từ những yêu cầu rất cao về phát triển bền vững (chuyển đổi xanh, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo) của các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Cùng với đó là các chi phí cũng rất lớn, như chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xanh; chi phí đầu vào ngày một cao từ nhân công, nguyên vật liệu, logistics. Nguồn lao động trong nước ngày càng khan hiếm. Lao động ở khu vực thành phố hầu như không tuyển dụng được, doanh nghiệp phải di chuyển về vùng xa để tận dụng nguồn lao động sẵn có.
Tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu cũng rất khó khăn, khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.
Ngoài ra, thách thức ứng dụng khoa học - công nghệ và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp da giày. Với năng lực còn hạn chế, doanh nghiệp chưa chủ động được công nghệ cho sản xuất mà vẫn phụ thuộc vào nguồn bên ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Túi Xách Việt Nam chia sẻ, mặc dù đối mặt với áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động… ngành da giày - túi xách năm 2024 vẫn đạt tổng kim ngạch xuất khẩu da giày ước đạt 27,04 tỷ USD, tăng 11,45%.
Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 23,24 tỷ USD, tăng 13,16 % và valy-túi-cặp đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,7 % so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành công nghiệp da giày Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất giày dép nhưng hiện vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu, do vậy kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Xuất khẩu da giày đã tận dụng tốt lợi thế các hiệp định thương mại tự do, nhất là khối thị trường EVFTA, CPTPP… Năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn. Ngoài các thị trường truyền thống, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp trong ngành da giày đã và đang phát triển mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi … Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành da giày Việt Nam, chiếm 36,5% tổng giá trị xuất khẩu giày dép ra thế giới trong 11 tháng.
Tiếp đến là thị trường các nước EU (chiếm ) Trung Quốc (chiếm 8,5%), Nhật Bản (4,7%), Hàn Quốc ( chiểm 2,9%), tiếp đến là các Bỉ, Hà Lan, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Italy, Australia, Mexico, Ả Rập Xê Út. Tổng kim ngạch xuất khẩu dến 16 nước lớn trên thế giới chiếm 89% tổng kim ngạch toàn ngành.
Tuy nhiên, một số thị trường xuất khẩu khác vẫn có sự sụt giảm, thậm chí không thể xuất khẩu được do chịu tác động của xung đột như Nga, Uzbekistan. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông với tiềm năng tiêu dùng lớn và đa dạng.
Trong đó, giày thể thao - mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu dùng mặt hàng dép tuy nhiên số lượng không lớn.
Năm 2025 ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội a Giày Túi Xách Việt Nam cho rằng, để đạt mục tiêu này, ngành da giày còn phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu tiêu dùng và khả năng tuân thủ tiêu chuẩn xanh, phát triển bên vững từ các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, thời gian tới, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu..
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và sử dụng các loại nguyên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc rõ ràng và được sản xuất theo các quy trình bền vững. Tăng cường sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Áp dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chất thải và tiết kiệm năng lượng...
Quang Đức