Chủ nhật, 24/11/2024 09:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/10/2023 09:00 (GMT+7)

“Vua diệt ruồi” – Câu chuyện từ phòng thí nghiệm tới những sản phẩm thân thiện môi trường

Theo dõi KTMT trên

Từ những kinh nghiệm trong phòng thí nghiệm, cộng với thực tế lăn lộn cùng các loài côn trùng gây hại, chàng thanh niên SN 1985 đã sáng chế ra nhiều sản phầm với thương hiệu “Vua diệt ruồi”.

Đây được coi là khắc tinh của những loại côn trùng gây hại tưởng chừng nhỏ bé như ruồi, muỗi, gián, kiến…nhưng mang nhiều nguy cơ gây bệnh và phiền toái

Từ làm bạn với côn trùng…

Người được nhắc tới kể trên là anh Trần Chí Cường (SN 1985 tại mảnh đất Lý Nhân-Hà Nam). Anh Cường hiện là chủ thương hiệu KingVina, sở hữu nhiều sản phẩm diệt côn trùng hiệu quả trên thị trường.

“Vua diệt ruồi” – Câu chuyện từ phòng thí nghiệm tới những sản phẩm thân thiện môi trường - Ảnh 1
Anh Trần Chí Cường. Ảnh: NVCC.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông, anh Cường sớm được định hướng nghề nghiệp gắn với ngành Y tế dự phòng. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế). Gần 12 năm về mảng dự phòng các bệnh truyền nhiễm như Sốt xuất huyết, Viêm não, Dịch hạch…

Anh Cường chia sẻ, nghe nơi làm việc, nhiều người tưởng công việc nhàn nhã, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Anh và các đồng nghiệp thường xuyên phải ăn ngủ ở cơ sở để thu thập các côn trùng gây hại. Sau đó mang để tìm hiểu, nghiên cứu, tạo ra những loại thuốc vừa diệt chúng hiệu quả lại đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như môi trường.

Theo anh Cường, gần 12 năm công tác trong ngành, đáng nhớ nhất là những lần cùng các đồng nghiệp đi phun thuốc diệt côn trùng theo kế hoạch. Nhiều chỗ, người dân chưa hiểu và nhận thức được công việc của ngành nên gây khó khăn. Thậm chí, anh và các đồng nghiệp còn bị chửi bới, đuổi về vì cho rằng phun hóa chất gây hại cho sức khỏe người dân. “Nhưng công việc vẫn phải làm, vừa làm vừa kết hợp với cán bộ địa phương giải thích cho người dân để họ nhận thức được tầm quan trọng của việc côn trùng gây hại. Làm mãi rồi cũng thành quen thôi”, anh Cường chia sẻ.

Những ngày không đi phun thuốc, anh cùng các đồng nghiệp lại được giao nhiệm vụ đi thu thập côn trùng bằng cách dùng máy hút, đem về phòng thí nghiệm. Tại đây, côn trùng được phân loại, nuôi dưỡng và cho sinh sản trong môi trường thí nghiệm. Thông qua các kết quả nghiên cứu mới có thể đưa ra nhiều sản phẩm ứng dụng vào diệt côn trùng hiệu quả, kinh tế, đồng thời an toàn với người dân và môi trường.

Năm 2015, anh Cường thi đỗ nghiên cứu sinh, tiếp tục dấn thân sâu hơn vào cái ngành gọi vui là “làm bạn với công trùng”. Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước của anh Cường là về một chế phẩm sinh học phòng chống bệnh Sốt xuất huyết, phối hợp cùng Cuba mang tên Bactivec. Địa điểm thực hiện, thử nghiệm chế phẩm được tiến hành tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Trong vòng hơn 2 năm, anh Cường cùng các đồng nghiệp và chuyên gia dịch tễ Cuba lăn lộn ở Thanh Hóa để có thể hoàn thành đề tài nghiên cứu kể trên.

“Nhiều khi đi cơ sở, đưa chế phẩm xuống giúp bà con diệt bọ gậy mà họ nghi ngờ. Thế là mình phải chứng minh độ an toàn bằng cách uống luôn nước có pha chế phẩm. Khi bọ gậy chết nổi lên mà người không sao, người dân mới tin mình và đồng ý để triển khai dùng chế phẩm”, anh Cường nhớ lại.

Theo anh Cường, là cán bộ ngành Dịch tễ, cũng lắm chuyện vui buồn. Chuyện phải uống nước pha chế phẩm để chứng minh độ an toàn sản phẩm cũng không phải chuyện gì hiếm. Đặt bản thân mình vào người dân, họ cũng phải đặt sự an toàn sức khỏe của bản thân và gia đình lên trên hết mà thôi.

Với kết quả nghiên cứu, sử dụng chế phẩm trong hơn 600 hộ dân tại Thanh Hóa cho thấy, chế phẩm diệt bọ gậy sinh học Bactivec an toàn, không gây độc tính cấp cũng như độc tính bán trường diễn đối với động vật thí nghiệm trong phòng thí nghiệm với lô uống Bactivec liều 3ml/kg/ngày và một lô uống liều cao gấp 3 lần (9ml/kg/ ngày) liên tục trong 4 tuần. Đồng thời, không ghi nhận trường hợp bất thường nào đối với các vật nuôi sống trong hộ gia đình tham gia sử dụng chế phẩm trong các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Bactivec không gây bất kỳ phản ứng phụ đối với người trực tiếp sử dụng nước có thả chế phẩm với hoá chất.

Đến thương hiệu “Vua diệt ruồi”

Theo anh Cường, từ năm 2016, anh cùng một số người bạn đã nhen nhóm ý định kinh doanh và mở công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm diệt côn trùng. Năm 2018, những sản phẩm diệt đầu tiên của anh Cường và cộng sự chính thức ra đời, được Bộ Y tế cho phép lưu hành trên thị trường. Khách hàng đầu tiên của KingVina chính là bãi rác Hà Nội với công suất 10 nghìn tấn rác/ngày với sản phẩm diệt ruồi mang tên King Fly Bait – nghĩa là Vua diệt ruồi.

“Vua diệt ruồi” – Câu chuyện từ phòng thí nghiệm tới những sản phẩm thân thiện môi trường - Ảnh 2
Sản phẩm Vua diệt ruồi của tác giả Trần Chí Cường.

Và đến năm 2019, anh có bước đi tiếp theo là thành lập được một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ đây, những sản phẩm do anh sản xuất dần xuất hiện trên những kệ hàng của Co.opmart hay Citimart.

Cùng năm 2019, sản phẩm diệt ruồi của KingVina nhận được một đơn hàng lớn từ Tập đoàn TH. Tới 2020, anh nhận được thêm hai khách hàng tiềm năng là Tập đoàn Dabaco và Hòa Phát. Đây là 3 tập đoàn lớn mạnh hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi bò úc, bò sữa, lợn và gà.

Ra đi để trở về, từ năm 2018, anh Cường đã xác định con đường kinh doanh gắn với quê hương bản xứ. Hiện nay, nhà máy sản xuất của KingVina được đặt chính tại nơi anh Cường chôn nhau, cắt rốn. Tổng diện tích đất đặt nhà máy rộng khoảng 2.000 mét vuông, với tổng số tiền đầu tư đến nay khoảng trên 13 tỷ đồng.

Theo anh Cường, đi đâu cũng không bằng quê mình. Nhà máy đặt tại quê vừa thuận lợi đi lại, hơn hết là tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương. Đây cũng chính là tâm niệm đóng góp một phần của cải cho quê hương của anh Cường.

Bên cạnh các sản phẩm hóa chất có nguồn gốc hóa học, anh Cường và các cộng sự cũng mày mò, nghiên cứu, đưa ra thị trường một số sản phẩm có nguồn gốc sinh học (thảo dược). Những chế phẩm này được chiết xuất từ tinh dầu một số loại cây như hoa cúc, sả, chanh… Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào cho những chế phẩm sinh học này hiện nay vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Bởi theo anh Cường, nếu như tự nghiên cứu, sản xuất tinh dầu sẽ vô cùng tốn kém. Đầu tiên sẽ phải xây dựng một vùng nguyên liệu rộng lớn, áp dụng hàng loạt khoa học kỹ thuật để chăm sóc, thu hái, chiết xuất và bảo quản. Đi kèm với đó sẽ phải trang bị một loạt dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại để thu về tinh dầu.

“Hiện nay, trong nước cũng có một số đơn vị cung cấp nguồn tinh dầu như quế, sả nhưng chất lượng chưa đủ độ tinh. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn phải nhập khẩu tinh dầu với giá cao để đảm bảo chất lượng đầu ra của chế phẩm”, anh Cường thông tin.

Tính đến nay, doanh nghiệp của anh Cường đã có 30 sản phẩm được đăng ký lưu hành trên thị trường. “Nghe kể thì con đường kinh doanh rất bằng phẳng. Nhưng đằng sau đó là chuỗi ngày gian truân nghiên cứu, xin đăng ký và đưa ra thị trường”, anh Cường tâm sự.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 2 năm trở lại đây, theo anh Cường, tình hình kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Một số khách hàng lớn kinh doanh chững lại nên lượng chế phẩm bán ra cũng sụt giảm.

Lường trước khó khăn, doanh nghiệp của anh Cường đã tiến hành mở rộng thị trường, thâm nhập vào cuộc chơi bán lẻ, không phụ thuộc vào những khách hàng lớn. Nghĩa là, sẽ đưa sản phẩm len lỏi tới từng người dân và hộ gia đình. Với chiến lược kể trên, sau 2 năm mở rộng thị trường, đến nay, anh Cường đã xây dựng được các nhà phân phối rộng khắp tại hơn 35 tỉnh, thành phố.

Nói về định hướng xuất khẩu, anh Cường cho biết, cũng đã nghĩ đến việc này bởi có một số doanh nghiệp nước ngoài xin nhập khẩu, phân phối chế phẩm. Tuy nhiên, do đặc thù là sản phẩm liên quan y tế, dân sinh nên rất phức tạp trong quá trình xuất khẩu vì phải phải xin phép lưu hành từng nước khác nhau nên tạm chưa thực hiện.

“Trên thực tế, thị trường trong nước dư địa còn rất lớn. Nếu chúng tôi chỉ cần tập trung làm tốt sản phẩm, tiếp thị đến tận tay người dân thì cũng không quá lo lắng về đầu ra. Thêm cả mảng nhập khẩu, phân phối 1 số sản phẩm nguồn gốc Hàn Quốc, Úc và Ý, doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, khấu hao rất lớn bởi phải tái đầu tư sản xuất cũng như nhập khẩu nguyên liệu”, anh Cường cho hay.

Chàng thanh niên ăn, ngủ cùng côn trùng năm nào tâm sự, đối với doanh nghiệp, kinh tế vô cùng quan trọng. Nhưng cùng với đó, người kinh doanh cũng phải có tâm, có tầm nhìn dài hạn. Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường, luôn phải đảm bảo 3 yếu tố là an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Chỉ khi có sự tin tưởng của khách hàng, người dân, doanh nghiệp mới có thể tồn tại, phát triển vững bền.

Hiện anh Cường đang là Phó Chủ tịch Hội phòng trừ côn trùng Việt Nam (VPMA), đây là một hội nghề nghiệp được cấp phép bởi các cơ quan nhà nước, VPMA là nơi tập hợp hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng, khối dịch vụ, sản xuất và phân phối các sản phẩm giúp kiểm soát côn trùng.

Công ty Cổ phần KingVina

Website: Kingvina.vn

Địa chỉ: Số 37, Liền kề 23, Khu đô thị mới Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Hotline:0996.85.85.85 - 036.36.36.369

Kế Toại - Huy Bình

Bạn đang đọc bài viết “Vua diệt ruồi” – Câu chuyện từ phòng thí nghiệm tới những sản phẩm thân thiện môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới