Vụ nước biển đổi màu: Doanh nghiệp chi tiền xây bể xử lý nước thải
Theo quan sát, tại khu vực tập kết dăm gỗ bị ùn ứ trong đợt bão vừa qua của Công ty Hào Hưng, nước thải có màu đen nâu, chảy lênh láng khắp nơi, giống hệt màu nước biển ghi nhận tại xã Bình Thạnh.
Nước biển có màu xám đen, nổi bọt vàng. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN) |
Ngày 21/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có kết luận về nguyên nhân gây nên hiện tượng nước biển có màu càphê tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), trong đó đề cập tới hai hợp chất Lignin và Tanin phát sinh từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, chế biến gỗ, dăm gỗ và bột giấy từ dăm gỗ.
Trước thông tin này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hào Hưng (gọi tắt là Công ty Hào Hưng), có trụ sở tại thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn mới “giật mình” tìm cách đối phó.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực tập kết dăm gỗ bị ùn ứ trong đợt bão vừa qua của Công ty Hào Hưng, nước thải có màu đen nâu, chảy lênh láng khắp nơi, giống hệt màu nước biển ghi nhận tại xã Bình Thạnh.
Ông Lê Văn Lý - Phó giám đốc Công ty Hào Hưng thừa nhận, trong cơn bão số 5 và số 6 vừa qua, do biển động mạnh nên tàu của công ty không thể cập cảng, đành phải quay ra tận Quảng Bình để tránh bão.
Số lượng dăm gỗ dồn ứ quá nhiều nên khi có mưa lớn, nước thẩm thấu qua dăm chảy tràn ra bề mặt nền ximăng, tạo ra màu đen nâu khi thoát ra mặt biển nên mới có hiện tượng như báo chí đã nêu.
Thông tin này trùng khớp với nhận định ban đầu của Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên khi kiểm tra thực tế tại khu vực biển Khe Hai, xã Bình Thạnh.
Qua 12 mẫu nước và trầm tích do Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi khảo sát, lấy mẫu từ đầu tháng 12/2019, Tổng cục Môi trường nhận định, hiện tượng nước biển có màu cà phê là do sự xuất hiện của các loại tảo Silic với mật độ cao và có hợp chất Lignin và Tanin.
Hai hợp chất này thường phát sinh từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, chế biến gỗ, dăm gỗ và bột giấy từ dăm gỗ.
Trước tình trạng trên, Công ty Hào Hưng đã chi 700 triệu đồng để xây bể lắng lọc xử lý nước thải bề mặt với chiều dài hơn 31 m, bề ngang 4,4 m, dung tích 300 m3. Bể gồm có nhiều ngăn, trong đó có một mương nhỏ xử lý clo, hóa chất trước khi thoát ra ngoài.
Dự kiến công trình sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 1/2020. Dù chưa được kiểm chứng thực tế, nhưng đại diện phía công ty này tuyên bố sẽ không để xảy ra sự cố tương tự.
“Khi bể xây dựng hoàn thành thì chắc chắn rằng nguồn nước thải của chúng tôi sẽ sạch và trong, trước khi chảy ra cửa xả, tôi cam đoan như thế”- ông Lê Văn Lý khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Đội phó Đội dịch vụ cảng PTSC Quảng Ngãi cho hay, cảng PTSC cũng như cảng quốc tế Gemaderp Dung Quất trước nay đều xuất dăm gỗ trực tiếp chứ không dự trữ, xe chở xuống là cho tập kết lên tàu vận chuyển đi ngay nên chưa có hiện tượng này bao giờ.
Từ đó, có thể hiểu rằng, Công ty Hào Hưng đã vô tình đặt mình vào thế khó khi cho trữ dăm ngoài trời, chủ quan không xây dựng hệ thống xử lý nước thải để đến khi xảy ra “sự cố” lại trở tay không kịp.
Được biết, hồi tháng 1/2019, Công ty Hào Hưng đã bị Tổng cục Môi trường xử phạt 70 triệu đồng vì hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tổng cục Môi trường đang tiếp tục theo dõi vụ việc và hỗ trợ các cơ quan chức năng Quảng Ngãi xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.