Thứ bảy, 27/07/2024 07:56 (GMT+7)
Thứ tư, 15/05/2024 11:39 (GMT+7)

Vụ hơn 350 công nhân bị ngộ độc ở Vĩnh Phúc: Bộ Y tế đình chỉ bếp ăn tập thể, điều tra làm rõ

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến vụ hơn 350 người bị ngộ độc ở Vĩnh Phúc, Bộ Y tế đề nghị đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định.

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam ở Vĩnh Phúc nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này. 

Cụ thể, trong văn bản gửi Sở Y tế Vĩnh Phúc, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ sở y tế có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, không để các bệnh nhân có diễn biến nặng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên.

Bộ Y tế đề nghị đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm,nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Vụ hơn 350 công nhân bị ngộ độc ở Vĩnh Phúc: Bộ Y tế đình chỉ bếp ăn tập thể, điều tra làm rõ - Ảnh 1
Lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh thăm hỏi các công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện. (Nguồn: Internet)

Trước đó, vào chiều ngày 14/5, sau khi ăn bữa trưa, các công nhân của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam có các triệu chứng bất thường về sức khỏe như nôn, đau bụng, đau đầu... và được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.

Một số công nhân cho biết sau bữa ăn trưa ở công ty, gồm các món: thịt gà xào sả ớt, súp lơ xanh, dưa muối và canh đỗ xanh, họ bắt đầu xuất hiện triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.

Ngay sau đó, lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc đã đến chỉ đạo công tác cấp cứu bệnh nhân, đồng thời yêu cầu cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra nguyên nhân.

Trước đó, ngày 11/5/2024, Bộ Y tế có văn bản số 2487/ BYT-ATTP gửi sở Y tế các địa phương, các sở an toàn thực phẩm, ban quản lý an toàn thực phẩm về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị trên phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, khẩn trương tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố, ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...

Ngoài ra, Bộ Y Tế cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. 

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).

Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Vụ hơn 350 công nhân bị ngộ độc ở Vĩnh Phúc: Bộ Y tế đình chỉ bếp ăn tập thể, điều tra làm rõ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.