Vĩnh Phúc: Vì sao người dân kiến nghị di dời dự án nhà máy rác Xuân Hòa?
Lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường khi tiến hành xây dựng và vận hành nhà máy xử lý rác thải, người dân một số xã của huyện Lập Thạch đã có ý kiến di dời.
Liên quan đến dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có bài viết: "Vĩnh Phúc: Lo ngại ô nhiễm môi trường, người dân 3 xã kiến nghị dừng xây nhà máy xử lý rác".
Theo đó, ngày 22/12/2020 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 3238 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Nhà mày xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch của Công ty cổ phần đầu tư ITC Hà Nội.
Ngày 1/6/2021, UBND huyện Lập Thạch đã ra Thông báo số 70 về việc thu hồi tổng diện tích 11,159 ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch của Công ty cổ phần đầu tư ITC Hà Nội làm chủ đầu tư. Diện tích dự kiến thu hồi là 111.590,2 m2. Trong đó: Đất nông nghiệp là 109.804,5 m2, đất phi nông nghiệp: 1.785,7 m2.
Ngày 30/11/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định số 3258 về việc Phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Quy hoạch, đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tập trung, với mục tiêu hoạt động thu gom, xử lý và đốt rác thải sinh hoạt, tái chế chất thải (tái chế các thành phần hữu ích có trong rác thải và xỉ đáy lò sau khi đốt thành gạch không nung); được đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phục vụ sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 12/2021, khi tại khu vực dốc Kèo Cài thôn Thành Công xã Xuân Hòa địa điểm triển khai dự án có hoạt động chặt cây cối để tạo mặt bằng, người dân các thôn Thành Công, Đồng Chủ, Đình Thắng, Xuân Trạch (xã Xuân Hòa) và một số thôn của xã Ngọc Mỹ, xã Liễn Sơn đã có mặt, đưa ra thông điệp và kiến nghị di dời dự án đến một vị trí khác phù hợp hơn.
Theo đa số ý kiến người dân cho rằng: Khu vực triển khai xây dựng dự án là lừng chừng núi, đầu nguồn nước của hai thôn Thành Công và Đồng Chủ. Khu vực này còn là đầu nguồn của hai hồ thủy lợi lớn của xã Xuân Hòa là đập Thiên Lính (thôn Thành Công) và đập Suối Vầy, đập Ao Phai (thôn Đồng Chủ). Các đập nước này cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cho nhiều thôn của xã Xuân Hòa và một số thôn của xã Liễn Sơn.
Thứ hai: Do dự án nằm ở lưng chừng núi, khi có gió sẽ thổi khói xuôi về thôn nhiều thôn của xã Ngọc Mỹ nằm bên kia của núi, sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Thứ ba: Từ phạm vi triển khai dự án đến khu vực dân cư là quá gần, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Ngoài ra, theo ý kiến của người dân, việc triển khai dự án xây dựng nhà máy rác tại khu vực dốc Kèo Cài người dân không nắm được, không được hỏi ý kiến là chưa thỏa đáng.
Liên quan đến câu chuyện xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện nay ở Việt Nam, chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn Kinh tế Môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, với các dự án cần phải tiếp cận được thuyết minh dự án và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì mới có thể đưa ra những đánh giá xác đáng được.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng cần lưu ý vị trí dự án đặt ở đó đã hợp lý hay chưa? Cái này cần phải thể hiện rõ trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thông qua khảo sát, điều kiện, rồi vấn đề thổ nhưỡng, thoát nước ở khu vực ấy như thế nào?
Vấn đề nữa là công nghệ sử dụng trong dự án ra sao. Công nghệ là một trong những vấn đề hiện nay Việt Nam chưa giải quyết được một cách triệt để. Người dân cũng chỉ biết là công nghệ, nhưng còn mức độ hiện đại, tiên tiến của công nghệ, phân hạng công nghệ ở mức độ nào thì ở Việt Nam hoàn toàn mù tịt. Họ cứ nói công nghệ hiện đại, ví dụ như cái ô tô này là công nghệ hiện đại, nhưng so với thế giới nó đứng gần như cuối cùng.
Về công nghệ xử lý rác: Công nghệ đốt rác có thể sinh ra khí thải và xỉ. Đốt rác mà nhiệt độ không đủ cao sẽ sinh ra Dioxin và Furan là hai chất rất độc. Thứ hai đối với công nghệ, khả năng xảy ra sự cố xung quanh chuyện đốt không đủ nhiệt độ, công nghệ xử lý nước thải nếu không đủ hiện đại, không đủ nhân lực có kỹ thuật, vận hành có thể gây ra ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm nước thải đối với các nhà máy rác rất dễ nhận biết, nó là mùi, là màu nên người dân rất dễ phát hiện ra.
Dưới góc độ một chuyên gia về kinh tế môi trường, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, việc xây dựng bãi rác hoặc nhà máy xử lý rác là việc tất yếu phải làm ở tất cả các địa phương. Vấn đề là chọn đặt ở đâu, sử dụng công nghệ nào cần phải tính tới để các dự án thực sự mang lại hiệu quả và bảo vệ môi trường.
"Vậy ai quyết định điều này? Tất nhiên thẩm quyền này là của UBND tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Về mặt luật pháp nó thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Trong ĐTM, các sự cố môi trường phải lường trước được hết. Như chúng ta biết, bãi rác Nam Sơn dân cũng từng nhiều lần chặn xe do ô nhiễm.
Không có địa phương nào muốn có bãi rác ở địa phương mình vì người ta ngại sự cố. Mà sự cố có xảy ra không? Xin thưa là có chứ, ở Việt Nam đã có nhiều rồi chứ.
Vấn đề này, các cơ quan chức năng cần làm việc hết sức cẩn thận, mời các nhà khoa học tham gia và cũng cần có các kiểm tra, thanh tra để làm rõ ràng vấn đề.
Người dân thường sẽ có ý kiến về các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, ở đây chính quyền phải lắng nghe ý kiến của dân, xem dân họ yêu cầu cái gì? Nhà nước có thế mạnh gì để giải quyết? Nhà nước phải phê duyệt dự án một cách có cơ sở khoa học và được thể hiện rõ trong ĐTM.
Đứng về mặt khoa học, công nghệ có thể đủ đảm bảo về chất lượng môi trường cho khu vực xung quanh không bị ảnh hưởng nhiều. Có điều các cấp có thẩm quyền làm thế nào để thực hiện được các điều ấy”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, theo Khoản 2 Điều 26 về Phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước quy định: Không xây dựng mới các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Trong Quyết định 3259 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có nội dung quy hoạch xây dựng khu chôn lấp tro xỉ lên đến 11 nghìn m2.
Tại Điểm 5, Khoản 6.1.2 , Mục 6.1 của QCXDVN 01:2008/BXD quy định về khoảng cách ATVMT như sau: Nhà máy xử lý chất thải rắn (đốt có xử lý khí thải, sản xuất phân hữu cơ): khoảng cách ATVMT nhỏ nhất giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến chân các công trình xây dựng khác là ≥500m. Việc xác định khoảng cách ATVMT của Nhà máy xử lý chất thải rắn đến các khu dân cư lân cận và các công trình khác (công trình hạ tầng xã hội) áp dụng theo các quy định nêu trên.
Tham quan nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ ...từ ngoài hàng rào
Vào cuối tháng 11/2021, một đoàn tham quan gồm lãnh đạo huyện và xã cùng người dân đã vào nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Tuy nhiên, theo phản ánh, đoàn đã không được vào bên trong để “tận mục sở thị” mà chỉ đứng từ ngoài hàng rào nhìn vào bên trong.
Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, UBND huyện cho đoàn tham quan đi vào tham quan nhà máy đốt rác phát điện tại Cần Thơ vào cuối tháng 11/2021.
Khi liên hệ với phía nhà máy trong ấy thì họ đồng ý cho vào trong tham quan. Nhưng khi lên máy bay họ mới điện ra thông báo trong ấy bùng phát Covid-19 nên đoàn tham quan không vào được nhà máy.
Địa phương giao cho thôn tuyên truyền vận động để mọi người đăng ký đi tham quan, sau đó nộp danh sách về huyện. Còn việc tổ chức đi lại và kinh phí phía UBND xã không nắm được.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Xuân Thắng - Hà Nam