Thứ năm, 12/09/2024 09:39 (GMT+7)
Thứ năm, 09/12/2021 15:00 (GMT+7)

Việt Nam với những thiệt hại của thiên tai trong năm 2021

Theo dõi KTMT trên

Tình hình thiên tai năm 2021 không khốc liệt như năm 2020 nhưng lại bất thường hơn. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, cần chủ động ứng phó.

Những thiệt hại về người và tài sản

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) Phạm Đức Luận, từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cả nước đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 128 trận động đất nhẹ, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 160 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc.

Thiên tai đã làm 91 người chết, 14 người mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.400 tỉ đồng.

Việt Nam với những thiệt hại của thiên tai trong năm 2021 - Ảnh 1
Những thiệt hại về người và tài sản sau những trận thiên tai. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt từ ngày 27-30.11, khu vực miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên đã có mưa lớn, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 500-700mm; Bình Định, Phú Yên mưa phổ biến 400-600mm.

Lũ lớn gần mức lịch sử đã xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Mưa lũ đã làm 17 người chết, mất tích; 969ha lúa, 951 ha hoa màu bị thiệt hại.

Mặc dù năm 2021 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra trên 70 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao, tỉnh Phú Thọ; sạt lở kè Nghi Xuyên, đê tả Hồng, tỉnh Hưng Yên; nứt đê nghiêm trọng tại tuyến đê tả Đáy, thành phố Hà Nội, sụt lún đê hữu Đáy, tỉnh Ninh Bình…

Qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng, là lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra; kiểm tra ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều gây ảnh hưởng đến thoát lũ, đảm bảo an toàn đê điều.

Cần quyết liệt hơn, lấy phòng làm chính

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu việc ứng phó thiên tai phải bảo đảm an toàn tính mạng người dân, không để dịch bệnh lây lan khi phải sơ tán dân.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý các địa phương thực hiện nghiêm các kịch bản phòng chống thiên tai của năm nay “lấy phòng là chính”. Thứ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề cần được nghiên cứu để chỉ đạo, đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai năm 2021, cụ thể:

Việc bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai và lực lượng cứu hộ cứu nạn. Sự mất mát của lực lượng phòng chống thiên tai trong năm 2020 là quá lớn, đặc biệt là lực lượng vũ trang. Năm 2020, số người chết và mất tích do thiên tai là 357 người, trong đó số người chết trên biển rất ít, chủ yếu là tử vong ở trên bờ.

"Đây là vấn đề rất lớn. Năm nay phải giải quyết câu chuyện này quyết liệt hơn, phải yêu cầu và gắn trách nhiệm của các địa phương nhiều hơn", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai với vai trò là đơn vị Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương cần có những yêu cầu, hướng dẫn, chỉ đạo làm sao để không phải đi cứu hộ lực lượng cứu hộ.

Việt Nam với những thiệt hại của thiên tai trong năm 2021 - Ảnh 2
Tăng cường hệ thống đê điều phòng chống lũ lụt. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2020, số lượng người thương vong do thiên tai trên bờ quá nhiều. Trong số bốn vụ sạt lở đất thì đã có ba vụ được đưa vào diện cảnh báo đặc biệt nghiêm trọng. Thứ trưởng cho rằng cần rút kinh nghiệm trong năm nay, phải chỉ đạo quyết liệt hơn, cần thiết sẽ gắn trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai cho lãnh đạo địa phương.

Về công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng nếu chỉ dự báo chung chung, truyền tải thông tin chung chung lũ cấp độ nào thì người dân sẽ không biết được nước dâng đến đâu.
“Chúng ta phải dự báo chi tiết hơn đúng ngày đó, giờ đó, tại địa điểm đó nước sẽ lên bằng đó. Thông tin ấy cần phải được truyền tải tới người dân để người dân chủ động ứng phó”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.

Nhận định từ nay đến tháng 10, thời điểm cao điểm bão lũ, chắc chắn tình hình dịch Covid-19 sẽ không thuyên giảm. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng Cục Phòng chống thiên tai cần có những chỉ đạo trực tiếp, yêu cầu các địa phương báo cáo chi tiết những kịch bản, phương án di dân khác nhau. Tiếp đến là phải đưa ra các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch trong quá trình triển khai di dân.

Đối với các công trình cần đặc biệt quan tâm đến các công trường thi công trong mưa bão. Thứ trưởng cho rằng sự cố ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3 là một kinh nghiệm rất đau xót, từ đó các địa phương phải rà soát kĩ lưỡng những công trình đang thi công ở khu vực có nguy cơ sạt lở và thực hiện di tản 100%.

Một vấn đề lớn nữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặc biệt nhấn mạnh là việc bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, công trình đê điều trong mùa mưa bão.
Theo Vụ Quản lý đê điều, qua công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa bão, lũ năm 2021, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đang còn nhiều tồn tại.

Cụ thể, có 200 trọng điểm xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ trong mưa lũ, 316km đê còn thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế. Cùng với đó, có 174km đê thường xuyên xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ, 386 cống cũ, hư hỏng và 233km kè hư hỏng, xung yếu.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam với những thiệt hại của thiên tai trong năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới