Nghệ thuật chung sống với lũ lụt như người dân Bangladesh
Theo một số ước tính, trong 3 thập kỉ qua, Bangladesh đã kiên cường vượt qua hơn 200 trận thiên tai. Sức chịu đựng bền bỉ của người Bangladesh thấm đẫm sự hiểu biết rằng tự nhiên mạnh hơn tất cả con người chúng ta.
Ở Bangladesh, dường như có sự nhìn nhận bẩm sinh về sức mạnh vượt trội của thiên nhiên và sự cần thiết để con người để sống cùng với sự thất thường của nó.
Một số chuyên gia tin rằng khả năng thích ứng và sự bền bỉ của Bangladesh là nhờ vào địa hình không thể đoán trước của họ.
"Tôi có lý thuyết khó tin này: Địa lý định hình tâm lý và đặc tính của con người", Tiến sĩ Shafiul Azam Ahmad, nhà tư vấn khu vực làm việc độc lập cho Bangladesh, Sri Lanka và Nepal, nói.
"Khi một bờ sông đổ sụp xuống dưới dòng nước lũ dâng cao, thì bờ sông ở phía đối diện lại bồi lấp lên. Hệ động thực vật hồi sinh với sức sống mới ngay sau đó. Và con người cũng vậy. Bạn không thể chiến đấu với những dòng sông hùng vĩ, nhưng bạn có thể chịu đựng bền bỉ và chung sống với sự thất thường của thiên nhiên".
Rinita Rezwana, cư dân Dhaka, nói chuyện với vẻ trang nghiêm lặng lẽ sau trận lụt năm 2020. "Người dân của tôi rất kiên cường, Aysha, dân làng làm cầu để nối với đất liền. Những kiện rơm hoặc thức ăn gia súc chưa dùng đến được để trên mặt nước làm chỗ bước đi. Có rất nhiều tre, vì vậy họ làm 'sàn cọc' cho nhà của mình, được gọi là macha, tức nơi trú nổi".
Bangladesh có một mạng lưới chóng mặt 230 con sông chạy chằng chịt khắp cả nước. Ba trong số đó là các hệ thống sông rộng lớn như Brahmaputra-Jamuna, sông Hằng (hay sông Padma, tên gọi của nó ở Bangladesh) và sông Meghna đổ vào Vịnh Bengal.
Cùng với nước, các hệ thống sông này chở theo từ 1 cho đến 1,4 tỉ tấn phù sa màu mỡ cho Bangladesh mỗi năm, tạo nền tảng cho phần lớn nền nông nghiệp của đất nước.
Đây cũng là lý do tại sao Bangladesh là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.
Phần lớn sức chịu đựng bền bỉ của người Bangladesh thấm đẫm sự hiểu biết rằng tự nhiên mạnh hơn tất cả con người chúng ta và cần tuân theo tự nhiên - chứ không phải chống lại.
Bà Hasin Jahan, giám đốc quốc gia của tổ chức phi Chính phủ WaterAid, giải thích cách cộng đồng thích ứng tự nhiên để ứng phó thảm họa. "Khi bạn biết nó không thể tránh khỏi, bạn lên kế hoạch đối phó, đúng không?", bà nói.
Nguyễn Linh (T/h)