400 năm trước, người Miền Trung thực sự thích lũ lụt
Khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: Họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại "đã đến lụt, đã đến lụt", có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi.
Giáo sĩ người Ý, Cristophoro Borri (1583-1632) đã có dịp đến nước ta vào năm 1621, sau chuyến viễn du bên đất Ấn Độ. Những ấn tượng thú vị và trìu mến về vùng đất và con người nơi đây, được ông biên soạn lại theo dạng hồi ký, thành cuốn "Xứ Đàng Trong năm 1621", xuất bản năm 1631. Sách rất được chào đón và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Thời điểm mà Cristophoro Borri đến Nam miền Trung nước ta hiện nay, tính đến nay đã tròn 400 năm. Những ghi chép của ông là tư liệu quí và quan trọng với chi tiết cụ thể giúp ta hiểu thêm về bối cảnh vùng Quảng Nam - Qui Nhơn. Đặc biệt là những ghi chép về cách người dân sống chung với lũ rất đáng được lưu ý. Xin trân trọng gửi đến bạn đọc:
"Như đã nói ở trên, xứ này ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, do đó, nóng chứ không lạnh. Tuy vậy, xứ này lại không nóng như Ấn Độ, mặc dầu cũng vĩ tuyến như nhau và thuộc về miền nhiệt đới như nhau.
Lí do sự khác biệt này là ở Ấn Độ không phân rõ 4 mùa. Mùa hạ kéo dài tới 9 tháng liên tục. Trong thời gian đó, không thấy có một chút mây trên trời, ngày cũng như đêm, thành thử không khí luôn luôn bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời. Ba tháng còn lại được kể là mùa đông, không phải vì thiếu nóng, mà là vì mưa liên tục, thường là cả ngày lẫn đêm trong mùa này.
Nói theo kiểu bình thường thì mưa liên tục như thế hẳn phải làm không khí mát dịu. Tuy nhiên, vì mưa vào tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy, lúc mặt trời ở điểm cao nhất, ở tột đỉnh của Ấn Độ và lại không hề có ngọn gió nào khác ngoài những ngọn gió thật nóng, nên không khí rất ngột ngạt, làm cho nhiệt độ khó chịu hơn là vào mùa hạ vì lúc này thường có gió nhẹ thổi từ biển vào đem khí mát cho nội địa. Nếu không có sự an bài đặc biệt, thì không sao ở được trong những xứ sở này.
Ở Đàng Trong thì không thế bởi vì có đủ 4 mùa trong năm, tuy không rõ ràng như ở châu Âu vốn có khí hậu ôn hòa hơn. Mùa hạ gồm 3 tháng Sáu, Bảy và Tám, cũng rất nóng vì ở vào miền nhiệt đới và mặt trời trong những tháng đó cũng ở điểm cao nhất trên đầu chúng ta.
Nhưng vào tháng Chín, Mười và Mười Một thuộc mùa thu thì hết nóng và khí hậu dịu bởi có mưa liên tục, nhất là ở miền núi Kẻ Mọi. Do đó nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận nước lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày. Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đấy phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa là thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ.
Còn vào ba tháng mùa đông - tháng Chạp, tháng Giêng và Hai thì có gió bắc thổi, đem mưa đủ lạnh để phân biệt mùa đông với các mùa khác trong năm. Sau cùng vào các tháng Ba, Tư và Năm, hiện rõ các hiệu quả của một mùa xuân thú vị, tất cả đều xanh tươi và nở hoa.
Nhân tiện nói về lụt, tôi xin kể thêm ở chương này một vài sự kỳ lạ người ta gặp thấy trong dịp này.
Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được màu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: Họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại "đã đến lụt, đã đến lụt" có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa (Chúa Nguyễn) cũng vậy.
Nhưng thường thì nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tứ bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ. Do đó họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi hay những nơi cao hơn.
Vào trường hợp này, có một luật kì lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, nhưng đương nhiên thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điểm làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: Vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình.
Còn trẻ con thì tùy theo tuổi, chúng để mắt và vui thú rình trên cánh đồng lúa mênh mông đầy rẫy chuột lớn, chuột bé, vì hang ngập nước nên chúng phải ngoi ra, bò lên cây để thoát, thành thử thật là rất vui mắt khi được nhìn thấy những cành cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con trên chiếc thuyền nhỏ của chúng tới rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Trò đùa nghịch và giải trí của trẻ con, nhưng thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng cho những cánh đồng rộng lớn.
Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong 3 ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm.
Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà. Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ và tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ.
Người ta dễ dàng nhận thấy là nước lụt đã làm cho đất đai ở xứ Đàng Trong phì nhiêu, như chúng tôi vừa nói. Tuy nhiên, tôi thấy còn phải kể nhiều sự đặc biệt khác nữa. Nước lụt làm cho đất mầu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có 3 vụ lúa, đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ vất vả để sinh sống, ai cũng sung túc...
Cristophoro Borri
Theo "Xứ Đàng Trong năm 1621"