Việt Nam sẽ chuyển đổi nhanh từ điện than sang năng lượng tái tạo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại toạ đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28).
Trưa ngày 2/12 (giờ địa phương), tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại toạ đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28).
Tham dự sự kiện còn có Tổng thống Senegal, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula Von de Leyen, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry, các bộ trưởng chuyên ngành của Indonesia, Canada, Anh, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Michael Bloomberg và Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Hành động và tài chính khí hậu Mark Carney, Đồng Chủ tịch Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ), Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Tổng thống Pháp và lãnh đạo các nước, các tổ chức nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết cần giảm sự phụ thuộc vào điện than, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời nhấn mạnh không thể yêu cầu các nước đang phát triển phải lựa chọn giữa chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ xây dựng các công cụ hiệu quả để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
Phát biểu tại toạ đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, không thể phủ nhận vai trò của điện than, nhưng đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia, và việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với lộ trình và bước đi phù hợp với bối cảnh quốc gia, chuyển đổi công nghệ quản trị, đánh giá và xử lý tác động, huy động tài chính, thúc đẩy hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế để chuyển đổi nhanh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nước G7, trong đó có Pháp, và các đối tác quốc tế khác đã hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nhất là thông qua triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), qua đó góp phần đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi xanh trên toàn cầu; đồng thời đề nghị các đối tác tăng cường hỗ trợ Việt Nam về tài chính ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống quản trị thông minh.
Các nhà lãnh đạo Pháp, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, Mỹ và Lãnh đạo các tổ chức và thể chế tài chính quốc tế hoan nghênh cam kết và nỗ lực của Việt Nam, khẳng định sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vì lợi ích của Việt Nam và lợi ích chung của thế giới./.
Ngọc Ánh