Thứ sáu, 22/11/2024 14:06 (GMT+7)
Thứ ba, 25/01/2022 08:00 (GMT+7)

Việt Nam phát triển điện gió, điện mặt trời: Top đầu tại Đông Nam Á

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã có sự bùng nổ mạnh mẽ về năng lượng tái tạo, với sự phát triển của điện gió và điện mặt trời. Do đó, việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH.

Bùng nổ năng lượng tái tạo

Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng hóa thạch…. được coi là mục tiêu quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Trong đó việc ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được xem là động lực phát triển kinh tế năng lượng xanh.

Việt Nam đã có ​​sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo những năm gần đây, cho thấy tiềm năng cao của việc sử dụng điện tái tạo để giải quyết nhu cầu năng lượng.

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, trong những năm gần đây, với các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng.

Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Việt Nam phát triển điện gió, điện mặt trời: Top đầu tại Đông Nam Á - Ảnh 1
Với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng.

Cụ thể về điện gió, Việt Nam có 70 dự án điện gió (công suất 3.987 MW) đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỷ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống

Với điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn điện mặt trời trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321 MW đến tháng 10/2021.

“Việc chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đón dòng đầu tư mới để phát triển kinh tế xã hội… Có thể nói, chuyển dịch năng lượng nhưng cũng là sự chuyển dịch của cả nền kinh tế” - Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho biết.

Còn theo chia sẻ của TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khóa VII: "Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu".

Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn và bước đi phù hợp của tất cả các bên liên quan để các công nghệ năng lượng tái tạo được đi vào thực tế phát triển và áp dụng.

“Cùng nhau, chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam”

Tại hội nghị Cấp cao Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam lần thứ 4 các bên đã cùng nhau đưa ra chủ đề cho giai đoạn 2021 -2025 sẽ là: “Cùng nhau, chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam”. Khẩu hiệu mới của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam khẳng định rõ mục tiêu của Nhóm là tiếp tục đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả và góp phần định hình quá trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia.

Trong năm 2021, VEPG đã tái cơ cấu các nhóm Công tác kỹ thuật, xác định các chủ đề trọng tâm phù hợp với nhu cầu cấp thiết của quốc gia cũng như tận dụng được các nguồn lực hỗ trợ từ trong và ngoài nước. Cùng với các Bộ, Ban, Ngành và các đối tác trong và ngoài nước, VEPG sẽ hỗ trợ Chính phủ xây dựng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tuyên bố: “Trong vài thập kỷ qua, ngành năng lượng đã đóng vai trò nền tảng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách nhanh chóng và bao trùm tại Việt Nam. Trong thập kỷ tới, ngành năng lượng cần phát thải ít carbon hơn và dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguồn nhiên liệu tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Và chúng ta sẽ phải làm điều này trong bối cảnh vừa phải duy trì đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng với chi phí hợp lý, đồng thời vẫn đảm bảo được sự ổn định về tài chính, tạo động lực phát triển ngành. Để thực hiện được những mục tiêu trên, chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn".

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng thời là năm đầu tiên triển khai, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tháng 3 năm 2021, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và chính thức trình Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII.

Trong bối cảnh đó, ngành năng lượng Việt Nam nói chung và ngành điện nói riêng đứng trước nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 được dự báo vẫn sẽ tiếp tục gây ra khó khăn cho các ngành kinh doanh, biến đổi khí hậu khó lường và thiên tai xuất hiện thường xuyên và có sức tàn phá lớn hơn. Trong khi đó, Việt Nam cần tập trung vào việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện năng, đầu tư và phát triển theo định hướng tăng trưởng xanh.

Gần đây nhất, tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự song hành của ngành năng lượng, đảm bảo tiến trình chuyển dịch bền vững, hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) được thành lập vào tháng 6 năm 2017 theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các Đối tác Phát triển nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các bên, kết nối và phối hợp hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho ngành năng lượng tại Việt Nam. Hiện nay, hoạt động của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam do Bộ Trưởng Bộ Công thương chủ trì và đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì.

Mục tiêu chung của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) là sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. ​​Là diễn đàn đối thoại chính sách kỹ thuật cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam và các Đối tác Phát triển cũng như đại diện các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO) và các đơn vị nghiên cứu về phát triển năng lượng, trong bối cảnh của các Mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam phát triển điện gió, điện mặt trời: Top đầu tại Đông Nam Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới