Thứ sáu, 20/09/2024 15:21 (GMT+7)
Thứ tư, 16/11/2022 07:03 (GMT+7)

Việt Nam phấn đấu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào 2030

Theo dõi KTMT trên

Tại Hội nghị COP27 đang diễn ra ở Ai Cập, Việt Nam đã đệ trình tới Liên hợp quốc bản Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022.

Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được tổ chức từ ngày 6/11 đến ngày 18/11 tại Sharm El Sheikh, Ai Cập. Tham gia Hội nghị, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của nước ta trong chuyển đổi năng lượng và đẩy mạnh giảm phát thải trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Sự tự tin một phần nhờ những cam kết ủng hộ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính lớn đối với Đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị COP27.

Quyết tâm của Việt Nam thể hiện qua từng chính sách mới

Bên cạnh hoạt động chung tham gia đàm phán về biến đổi khí hậu, Đoàn công tác của Việt Nam tham dự COP27 đã có phiên trình bày riêng tại sự kiện “Từ cam kết tới hành động: Việt Nam hợp tác với các thành viên Đối tác NDC để đưa các cam kết tại COP26 thành hành động”.

Nêu bật về một số chính sách mới quan trọng của Việt Nam nhằm triển khai cam kết tại COP26, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, đầu năm nay, Chính phủ đã thông qua Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cấp quốc gia. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cho giai đoạn đến năm 2050 đã được thông báo vào tháng 7 năm nay.

Việt Nam phấn đấu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào 2030 - Ảnh 1
Hội nghị Bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị COP27, tại Ai Cập. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 8/11 vừa qua, Việt Nam đã đệ trình NDC cập nhật lần thứ 2 tới Liên hợp quốc, với mục tiêu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030, với điều kiện có sự hỗ trợ của quốc tế. Các lĩnh vực phát thải chính gồm: Năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải, các quá trình công nghiệp đều điều chỉnh tăng mục tiêu giảm phát thải với định hướng giải pháp trong thời gian tới.

NDC cập nhật đã phản ánh những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, bao gồm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; giảm 30% phát thải khí mê-tan so với năm 2020, tăng cường các nỗ lực thích ứng với BĐKH… “Có thể thấy, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi các nước khác đưa ra cam kết nhưng thực hiện chưa được nhiều, những nỗ lực của Việt Nam là điểm sáng tại Hội nghị COP27” - ông Tấn nhấn mạnh.

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đối tác phát triển, cả về chuyên gia kỹ thuật, nguồn lực tài chính và kêu gọi nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Citibank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chartered nhằm huy động tài chính, nguồn lực của khối tư nhân trong việc triển khai các cam kết tại COP26.

Việt Nam mong muốn hợp tác, hỗ trợ về tài chính và công nghệ

Tại Hội nghị bàn tròn thảo luận về Nỗ lực đóng cửa các nhà máy điện than tại khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ Hội nghị COP27, đại diện Đoàn công tác của Việt Nam, ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) khẳng định, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và cần chuyển đổi năng lượng. Mục tiêu này đã được đưa vào Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Vấn đề tài chính đặc biệt cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán với các quốc gia G7 về Thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Theo ông Tăng Thế Cường, để thực hiện được JETP, Việt Nam gặp phải một số thách thức. Trước tiên là thiếu các công nghệ để chuyển đổi năng lượng, cần hợp tác với các nước khác sản xuất hydrogen xanh, phát triển công nghệ lưu trữ khí thải CO2. Bên cạnh đó, vòng đời của một nhà máy điện than khoảng từ 30 - 40 năm. Trong bối cảnh tăng dần điện gió, điện mặt trời, cách thức đền bù đối với các nhà máy điện than mới xây dựng và vận hành mà phải đóng cửa sớm như thế nào.

Việt Nam phấn đấu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào 2030 - Ảnh 2
Hình minh họa Việt Nam mong muốn hợp tác, hỗ trợ về tài chính và công nghệ. Ảnh: Internet. 

Một vấn đề nữa Việt Nam rất quan tâm, đó là phần “công bằng” trong JETP, có nghĩa là cần chuyển đổi nghề cho các công nhân đang làm trong ngành khai thác than.

Tại các buổi thảo luận với đối tác quốc tế, các thành viên Đoàn công tác của Việt Nam đều nhấn mạnh tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào của quốc gia, đặc biệt, tiềm năng phát triển điện gió có thể nâng lên 600GW và đang chú trọng điện gió ngoài khơi. Việt Nam hoàn toàn hoan nghênh những hỗ trợ quốc tế nhằm mục tiêu chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhưng cần đảm bảo công bằng, công lý trong quá trình này.

Trong tương lai, việc đầu tư cho phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với BĐKH sẽ ngày càng đắt đỏ hơn. Nguồn lực từ Nhà nước sẽ không thể đáp ứng hết, vì vậy, cần phải đẩy mạnh hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn bằng các hình thức tín dụng, bảo hiểm, giảm rủi ro, đồng tài trợ và bảo lãnh. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính lớn để xác định các hỗ trợ về tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng và các cơ quan giám sát minh bạch, thiết lập Hệ thống giao dịch khí thải. Hệ thống tín dụng quốc gia sẽ đi tiên phong trong việc phát triển thị trường carbon nội địa, và sau này sẽ hội nhập với các thị trường quốc tế.

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam phấn đấu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới

Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 21-22/9, dự báo nhiều nơi ở miền Bắc, bao gồm cả Hà Nội, sẽ có mưa, một số nơi mưa to. Kèm với đó là nhiệt độ giảm khá rõ, đặc biệt từ 22/9.
Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria
Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.