Thứ bảy, 23/11/2024 01:38 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/04/2023 13:29 (GMT+7)

Việt Nam hướng tới mục tiêu là quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Để hoàn thành mục tiêu là quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển,...

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về việc Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) với nhiều mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng…

Tầm nhìn đến năm 2050 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

Việt Nam hướng tới mục tiêu là quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh - Ảnh 1
Việt Nam sẽ là quốc gia biển mạnh trên nền tăng tẳng xanh, bền vững

Ưu tiên nguồn lực bảo vệ môi trường biển.

Theo đó, Chiến lược đưa ra định hướng ưu tiên nguồn lực từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Trong đó, ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, các vấn đề về ô nhiễm xuyên biên giới, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lí hiệu quả.

Đến năm 2030, các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lí đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lí nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

Đồng thời, tập trung bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo. Bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn hiện có; điều tra, khảo sát, đánh giá đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới trên các vùng biển, ven biển và hải đảo; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái.

Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, dịch vụ hệ sinh thái quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000.

Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường.

Đẩy mạnh điều tra cơ bản, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.

Thiết lập, mở rộng hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Mục tiêu, đến năm 2030, 100% các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán xuyên biên giới các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn... Đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lí, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

Phát triển du lịch, kinh tế ven biển bền vững

Bên cạnh việc ưu tiên bảo vệ môi trường, Chiến lược cũng định hướng tập trung vào việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa; du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ.

Phát triển hệ thống cảng biển xanh, thiết lập các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm, tuyến hàng hải, có tính đến bối cảnh biến động trong khu vực và quốc tế. Các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo.

Song song đó, sẽ tìm kiếm thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống, các bể trầm tích tại các khu vực biển Việt Nam đảm bảo năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản nhằm mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm; Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Phấn đấu số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm;

Phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường, đảm bảo tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt 32,3%; Xác định các khu vực có thể lấn biển, đảo nhân tạo để phát triển kinh tế - xã hội và khu vực nhận chìm ở biển trong trường hợp các vật liệu nạo vét không đổ được trên bờ; Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng các, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, bảo đảm đủ công suất cho tàu cá thực hiện cập cảng, neo đậu.

Đặc biệt ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.

Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển, bao gồm nội luật hóa và thực thi có hiệu quả các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngăn chặn hiệu quả khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hướng tới mục tiêu là quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới