Việt Nam được viện trợ 30,2 triệu USD để chống biến đổi khí hậu
Mới đây, Quỹ Khí hậu xanh đã quyết định phê duyệt khoản viện trợ 30,2 triệu USD cho dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam” (SACCR).
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) viện trợ không hoàn lại 30,2 triệu USD nhằm giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Theo đó, với hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện dự án mới này trong 6 năm.
Theo ước tính, dự án này sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 222.400 người dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa - khoảng 10% dân số của các tỉnh, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Thời tiết thay đổi bất thường, lũ lụt, hạn hán... gây nhiều thiệt hại cho người dân. (Ảnh minh họa) |
Các mục tiêu của dự án bao gồm: hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu và áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cũng như tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường.
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có hơn 335.000 người được hưởng lợi gián tiếp từ tăng cường năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen cho biết, cách tiếp cận của dự án là tích hợp và hết sức sáng tạo, giúp tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu do Chính phủ Việt Nam đưa ra, được UNDP và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng thiết kế.
Dự án này cũng bổ trợ cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển – một dự án mà UNDP đang hỗ trợ và được tài trợ bởi GCF từ năm 2017. Dự án hiện đang xây dựng những ngôi nhà chống bão lũ, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, những người có cuộc sống và sinh kế bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Theo những dự đoán về tác động của biến đổi khí hậu Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu trong vài thập niên tới, như mực nước biển dâng, đặc biệt tại các vùng ven biển.
Các tác động ảnh hưởng do khí hậu ảnh hưởng đến hơn 74% dân số Việt Nam, đặc biệt là những nhóm người nghèo thiếu khả năng phục hồi trước những thiệt hại lớn sau thảm họa thiên tai, trong khi việc đô thị hóa đã làm tăng các khoảng cách của các gia đình di cư bị hạn chế tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Quỹ lớn nhất thế giới dành riêng cho tài chính khí hậu, hỗ trợ các nước đang phát triển giảm lượng khí thải carbon và tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu. Được thành lập bởi Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2010, GCF là một thực thể hoạt động của Cơ chế tài chính UNFCCC, cũng phục vụ Thỏa thuận Paris. GCF thúc đẩy tài chính khí hậu đến nơi cần thiết nhất: ở các nước kém phát triển nhất, các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia châu Phi. Việt Nam là một thành viên của Quỹ và đã đóng góp 1 triệu đô la Mỹ cho Quỹ GCF. |
Nguyễn Luận