Thứ sáu, 29/03/2024 02:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/07/2022 18:00 (GMT+7)

Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại. Trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam.

Theo báo cáo “Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương” do nhóm nghiên cứu IPCC thực hiện, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 

TS Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu tại Oxfam đã có 20 năm nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết, cùng với các cam kết đó, Việt Nam cũng có những cam kết song hành với với 100 quốc gia khác.

“Cam kết trong việc giảm 30% mức phát thải về metan từ năm 2020 đến năm 2030, hoặc đổi mới công nghệ và khuyến khích xúc tiến các mối quan hệ hợp tác, liên tục nâng cao các chính sách minh bạch, nhất quán; tập trung vào ngành gạo và ngành hàng không để cam kết mạnh mẽ và các sáng kiến giảm thiểu rác thải”, TS.Nguyễn Ngọc Huy nói.

Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại cuộc họp giữa Trưởng Phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh cần mở rộng và phát huy hơn nữa hợp tác giữa Liên hợp quốc và Tổ chức Pháp ngữ (OIF).

Trong bối cảnh khủng hoảng chồng khủng hoảng hiện nay làm cho tình hình thực hiện nhiều Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ít có tiến triển, Đại sứ cho rằng Liên hợp quốc và OIF cần tăng cường hợp tác đẩy mạnh việc thực hiện SDG thông qua hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên, đồng thời cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước châu Phi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Về ứng phó biến đổi khí hậu, Đại sứ khẳng định lại cam kết của Việt Nam tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đề nghị Liên hợp quốc và OIF cần hợp tác để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các cam kết của mình trong lĩnh vực này.

Đại sứ cũng đề nghị Liên hợp quốc và OIF xây dựng chương trình hành động chung để phối hợp hành động triển khai các đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” (OCA).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó bày tỏ đồng tình cao với các đề xuất của Việt Nam, cho rằng hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Thư ký cũng hoan nghênh ý tưởng xây dựng chương trình hành động Liên hợp quốc - OIF để triển khai OCA và cho biết sẽ làm việc cụ thể với Ban Thư ký OIF về đề xuất này. 

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng thông tin tới các nước Pháp ngữ về việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023-2025.

Các nước Pháp ngữ ghi nhận tích cực ứng cử và các ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, và nhất trí cần ủng hộ các ứng cử viên của OIF vào các cơ quan của Liên hợp quốc trong thời gian tới.

Báo cáo “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” của Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, hướng tới 25 năm tới trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối phó với các thách thức lớn về hòa bình, an ninh, dịch bệnh và các vấn đề toàn cầu khác.

Báo cáo đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến lớn, đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực khác.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nước biển dâng, bão lũ bất thường, hạn hán nắng nóng tại nhiều nơi, thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ USD. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thế giới cần nỗ lực nhiều hơn nữa!

4 chỉ số nguy hại về khí hậu ở mức kỷ lục

Báo cáo “Tình trạng Khí hậu toàn cầu 2021” vừa được Tổ chức Khí tượng thế giới công bố cho thấy 4 chỉ số biến đổi khí hậu chính bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt độ đại dương và axit hóa đại dương đều đã tăng lên các mức kỷ lục mới vào năm 2021.

Theo đó, 7 năm qua là 7 năm ấm nhất được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với mức trước công nghiệp.

Đây là những dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi trên đất, trong đại dương và trong khí quyển trên quy mô toàn cầu với những tác động có hại và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Báo cáo khí hậu này là một hồi chuông cho thấy con người đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi so với tốc độ trước đây, chủ yếu là do sự tan chảy băng ngày càng nhanh. Hiện tượng ấm lên của đại dương đang tăng nhanh trong hai thập kỷ qua, với mức độ ngày càng sâu hơn. Phần lớn đại dương đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng nghiêm trọng vào một thời điểm nào đó của năm 2021”.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.