Thứ năm, 28/03/2024 21:44 (GMT+7)
Thứ hai, 21/02/2022 16:00 (GMT+7)

Việt Nam đứng trước nguy cơ… thừa điện?

Theo dõi KTMT trên

Các dự án điện gió và điện mặt trời phát triển quá mạnh đã gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện, một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Việt Nam cần học tập cơ cấu nguồn điện của một số nước trên thế giới.

Kinh nghiệm từ thế giới

Đối với đất nước Singapore gần vùng xích đạo, cơ cấu nguồn điện tập trung phát triển điện khí (95%), gần đây chỉ mới lắp đặt 350 MW điện mặt trời, 260 MW điện sinh khối/điện rác và một số còn lại nhập điện từ nước láng giềng Malaysia (Singapore Energy Statitics - 2020). Với ốc đảo có diện tích hạn chế thì cơ cấu nguồn điện khí là chủ yếu rất phù hợp với xu hướng thế giới vì hiệu suất phát điện lên đến hơn 85%. Ngoài ra, điện mặt trời trên mái nhà phát triển phân tán, tự tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh.

Đối với Thái Lan - quốc gia có điều kiện khí hậu và nông nghiệp tương đồng với Việt Nam, tổng công suất nguồn điện theo Bộ Năng lượng Thái Lan là 46.500 MW, gần tương đương với tổng công suất nguồn của Việt Nam là 47.900 MW (năm 2018). Trong đó, điện khí chiếm 50%, thủy điện 20%, điện sinh khối 7,7 %, điện gió 8%, điện mặt trời 7%, còn lại là nhập khẩu và các dạng năng lượng khác.

Việt Nam đứng trước nguy cơ… thừa điện? - Ảnh 1
Tổng công suất nguồn điện theo Bộ Năng lượng Thái Lan là 46.500 MW. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, việc phát triển nguồn điện rất chậm vì sự phát triển kinh tế và mức thu nhập đầu người hằng năm đang tăng trưởng chậm. So với cơ cấu nguồn điện Việt Nam thì sự phát triển năng lượng tái tạo của Thái Lan khá đa dạng, đồng đều và có sự kiểm soát tốt của chính phủ dựa trên quy hoạch điện ban hành trong giai đoạn 2015 - 2036 (IRENA - 2017).

Ngành năng lượng tái tạo Thái Lan phát triển từ sớm, đến nay đã chiếm gần 23% tổng công suất nguồn điện, chỉ còn 2% để đạt mục tiêu khoảng 25% đến năm 2036 (gần 20.000 MW) nên đã ngưng đầu tư phát triển (bảng 1). Do đó, các nhà đầu tư Thái Lan đang chuyển dịch vốn đầu tư và công nghệ sang Việt Nam để phát triển các dự án năng lượng tái tạo mới.

Việt Nam đứng trước nguy cơ… thừa điện? - Ảnh 2
Lộ trình phát triển năng lượng trong cơ cấu nguồn điện ở Malaysia đến 2030. (Ảnh: EVN)

Đối với đất nước Malaysia, tổng cơ cấu nguồn điện cung cấp nền kinh tế cho 32 triệu dân vào khoảng 34.000 MW, bao gồm điện khí chiếm 47%, nhiệt điện than 31%, thủy điện 18%, phần còn lại 4% là năng lượng tái tạo, trong đó điện mặt trời chiếm 2,33%, sinh khối và điện rác là 1,67% (IRENA - 2020).

Do Malaysia nằm ở vùng xích đạo, thuộc vịnh Thái Lan nên tốc độ gió rất thấp, chỉ đạt được 2-3 m/s nên không phát triển điện gió mà chỉ tập trung phát triển điện mặt trời phân tán, điện sinh khối và điện rác.

Sự mất cân đối phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam

Thực tế, cam kết phát triển xanh của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cho thấy cơ hội phát triển của năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời còn rất lớn. Việt Nam cũng đứng trước chuyển đổi thành công sang năng lượng xanh, đảm bảo việc tăng công suất phát điện bền vững.

Song tình trạng dư thừa điện tái tạo thời gian qua cho thấy, cần cấp thiết phải có một quy hoạch công suất nguồn cụ thể theo từng giai đoạn, từng vùng cũng như có cơ chế và tiêu chí lựa chọn rõ ràng các dự án để đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia và quyền lợi của các nhà đầu tư.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đang đổ xô đầu tư vào mảng này. Đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, nhiều doanh nghiệp chọn cách huy động vốn thông qua kênh trái phiếu thay vì kênh tín dụng truyền thống. 

Việt Nam đứng trước nguy cơ… thừa điện? - Ảnh 3
Nhiều doanh nghiệp đang đổ xô đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), năm 2019, có 4.500 MW điện mặt trời vào vận hành thì số lần khởi động tổ máy nhiệt điện do thừa nguồn năng lượng tái tạo là 74 lần; năm 2020 tăng lên 192 lần; còn 4 tháng đầu năm 2021 là 334 lần.

Đứng trước tình trạng này, thậm chí Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cắt giảm khoảng 1,7 tỉ kWh từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phải phát văn bản kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ vì tình trạng điện phát ra không bán được. Việc dư thừa điện tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động vận hành hệ thống điện lưới quốc gia nếu không kiểm soát, cắt giảm sản lượng năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, thị trường chứng kiến làn sóng bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo khi Nhà nước đưa ra một tín hiệu giá điện 9,35 cent/kWh, tạo ra sức hút lớn đối với dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Đã có một cuộc chạy đua đầu tư phát triển điện mặt trời cũng như điện gió để hưởng ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng. Từng có tính toán, chỉ cần đầu tư 1.367 tỉ đồng để làm một nhà máy điện mặt trời với công suất 50 MW, lượng điện bình quân gần 95 triệu kWh/năm, doanh thu ước đạt 200 tỉ đồng/năm, chỉ khoảng 7 năm là dự án thu hồi vốn.

Đáng chú ý, sản lượng điện huy động từ năng lượng tái tạo tăng nhanh trong khi các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới tập trung cục bộ ở một số khu vực tại miền Trung và miền Nam như Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Long An… Chẳng hạn, như tỉnh Ninh Thuận, địa phương sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng ngàn MW, nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500 kV để chuyển sang các địa phương khác. Trên thị trường cũng xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách để mua – bán các dự án điện mặt trời.

Các dự án điện gió và điện mặt trời phát triển quá mạnh đã gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện, một lượng lớn công suất lắp đặt không thể phát được điện, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đứng trước nguy cơ… thừa điện?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.