Thứ sáu, 19/04/2024 11:04 (GMT+7)
Thứ hai, 19/10/2020 16:57 (GMT+7)

Việt Nam đang hứng chịu thời tiết tồi tệ nhất thế giới

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, thời tiết Việt Nam ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.

"Theo đánh giá toàn cầu của chúng tôi về các điều kiện khí tượng hiện nay, Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới", Grahame Madge, người phát ngôn Văn phòng Khí tượng Anh (Met), cơ quan khí tượng quốc gia của Anh, nói với VnExpress.

Từ khi bão Linfa đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam hôm 11/10, khu vực này đến nay liên tiếp có mưa lớn, gây lũ lụt và lở đất.

Việt Nam đang hứng chịu thời tiết tồi tệ nhất thế giới - Ảnh 1
Mưa lũ gây ngập ở Quảng Bình. (Ảnh: Internet)

Theo Madge, trong hai đến ba ngày tới, Việt Nam có thể có thêm mưa bất thường ở khắp các khu vực ở miền Trung, một số nơi có thể có lượng mưa đến 1.200 mm. Diễn biến này do rãnh áp thấp gió mùa hoạt động mạnh, có khả năng phát triển thành bão nhiệt đới yếu, khiến tổng lượng mưa tăng lên.

Về dài hạn, khả năng hình thành một cơn bão nhiệt đới mạnh hơn ở Biển Đông có thể đẩy rãnh áp thấp gió mùa xuống miền Nam Việt Nam, giúp thời tiết ở miền Trung tạnh ráo hơn.

Phó giáo sư Kei Yoshimura, Khoa nghiên cứu môi trường tự nhiên, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết, bão Linfa đổ bộ vào miền Trung Việt Nam là nguyên nhân chính gây mưa lớn bất thường. Bên cạnh đó, áp thấp nhiệt đới ở gần Philippines xuất hiện ngay sau Linfa, làm tăng hơi ẩm cho Linfa do chuyển động ngược chiều kim đồng hồ.

Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, lo ngại những trận lụt tương tự sẽ trở thành hiện tượng "bình thường mới" ở khu vực ven biển miền Trung Việt Nam. Khi mực nước biển dâng và tiến sâu vào đất liền, nước lũ sẽ dâng cao hơn so với trước đây.

Eyler cảnh báo khu vực ven biển sẽ bị xuống cấp thêm qua mỗi năm, do đó Việt Nam cần tính đến một vài phương án xử lý. Các lựa chọn gồm xây tường chắn, tìm khu tái định cư cho người dân hoặc tìm sinh kế mới cho họ, quy hoạch lại khu vực nông thôn và thành thị.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai bất thường trong đó có 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng. Đáng lưu ý đợt dông lốc, mưa đá lớn diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương phía Bắc, là sự kiện chưa từng ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng.

Việt Nam đang hứng chịu thời tiết tồi tệ nhất thế giới - Ảnh 2
Hồi đầu năm 2020, nhiều trận mưa đá bất thường xảy ra ở vùng núi phía Bắc. (Ảnh: Internet)

Nhiều kỷ lục khác như nhiệt độ Hà Nội xuống 16,5 độ vào ngày 24/4, thấp nhất trong 50 năm trở lại đây. Tình hình sạt lở bờ sông, bở biển, sụt lún diễn biến phức tạp tại ĐBSCL gây thiệt hại về người và của. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016.

Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững.

Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Theo kịch bản 2016, nhiệt độ tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc. Lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới yếu và trung bình có xu thế giảm nhẹ hoặc ít thay đổi, nhưng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.

Về mùa đông, số ngày rét đậm, rét hại các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ đều giảm. Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất ≥ 35 độ C) có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung bộ.

Còn về mực nước biển, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 58cm (36-80cm) và 57cm (33-83cm); các khu vực Móng Cái – Hòn Dáu và Hòn Dáu – Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53cm (32-75cm)…

Các chuyên gia về BĐKH cảnh báo, nếu mực nước biển dâng một mét thì sẽ có khoảng 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, 3% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập.

Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL, trên 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP.HCM bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH như: Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ngày 10/5/2017.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đang hứng chịu thời tiết tồi tệ nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .