Thứ ba, 19/03/2024 14:13 (GMT+7)
Thứ hai, 12/10/2020 06:15 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến bão, lũ ngày càng cực đoan

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu không những khiến nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, hay nước biển dâng, mà trên phạm vi toàn cầu còn khiến cho các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống trên cả quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia.

BĐKH không những khiến nhiệt độ tăng và nước biển dâng, mà còn khiến cho các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019 và là 5 năm liên tiếp có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua. Tổn thất do thiên tai cực đoan gây ra tăng liên tục trong những thập kỷ vừa qua. Theo Cơ quan chiến lược về giảm nhẹ thiên tai của Liên Hợp Quốc (UNISDR), trong giai đoạn 1998 - 2017 kinh tế thế giới chịu thiệt hại 2250 tỉ USD, cao hơn 250% so với 20 năm trước đó.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, trong đó bão, lũ lụt và hạn hán là thường xuyên và nguy hiểm nhất.

Theo số liệu thống kê, trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng từ 0,5 đến 0,7oC. Nhiệt độ mùa Đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa Hè và nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn ở các vùng khí hậu phía Nam.

Tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình ở Việt Nam hiện nay là khoảng 3mm/năm, tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Ước tính tới năm 2050 tăng 22 - 24cm, năm 2100 tăng 46 - 77cm. Lượng mưa trung bình năm của nước ta có xu thế tăng từ 5 đến 20% nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Trong năm 2020, BĐKH tại Việt Nam cũng được thể hiện một cách rõ nét nhất, đó là mưa đá trên diện rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc ở thời điểm vào Xuân; hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét miền Bắc kéo dài tới tận hết tháng 4, tiếp đó xảy ra những đợt nắng nóng 40oC kéo dài và liên tiếp… và những ngày này là mưa lũ gây ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền Trung.

Biến đổi khí hậu khiến bão, lũ ngày càng cực đoan - Ảnh 1
Bão, lũ đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung. (Ảnh: Zing)

Các chuyên gia hàng đầu về khí tượng, môi trường cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị một phương án ứng phó khẩn cấp về BĐKH cho cả trước mắt và lâu dài. Thông thường, các kịch bản BĐKH có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhưng chung quy lại là để xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với nó. Bài toán ứng phó với BĐKH bao gồm thích ứng và giảm thiểu.

Việc giảm thiểu BĐKH nói chung mang tính toàn cầu và đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả cộng đồng quốc tế về vấn đề cắt giảm phát thải khí nhà kính. Thích ứng với BĐKH là vấn đề mang tính địa phương mà thông tin từ các kịch bản BĐKH là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược.

Bởi vậy, để có được kế hoạch, chiến lược thích ứng với BĐKH một cách hợp lý, rõ ràng cần phải có những kịch bản đầy đủ thông tin về độ tin cậy của từng kịch bản.

Biến đổi khí hậu khiến bão, lũ ngày càng cực đoan - Ảnh 2
Hạn mặn tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh: VietnamNet)

Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trọng tâm của Kế hoạch là đặt yêu cầu về ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển và được lồng ghép vào trong các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch. Thích ứng với BĐKH phải gắn với phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu của hệ thống xã hội, tự nhiên, tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại và bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Để đạt mục tiêu chung, có 3 mục tiêu cụ thể được xác định gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH; Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học, công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến bão, lũ ngày càng cực đoan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Quảng Nam: Thu hút hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư 16 dự án
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án.
Xem xét nới thời gian đăng kiểm xe ô tô cá nhân
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Pu Ta Leng - Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Tây Bắc
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) nổi tiếng trong giới mê leo núi là một trong những đỉnh khó chinh phục bậc nhất với vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ. Quyết tâm chinh phục chúng tôi mới hiểu vì sao ngọn núi này hấp dẫn đến vậy.