Thứ năm, 28/03/2024 18:34 (GMT+7)
Thứ ba, 21/07/2020 06:56 (GMT+7)

Việt Nam có thể phải nhập khẩu 50% năng lượng vào năm 2035

Theo dõi KTMT trên

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng nguy cơ Việt Nam phải phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu là rất lớn, do đó cần phải có chiến lược tự chủ.

Trước thềm diễn đàn cấp cao về năng lượng 2020, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã có một số chia sẻ về bức tranh năng lượng của Việt Nam hiện tại và thách thức trong thời gian tới.

Theo ông Bình, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng từ năm 2015 với mức độ nhập khẩu tăng khá nhanh. Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn và tỉ lệ phụ thuộc nhập khẩu sẽ khoảng 33-37% vào năm 2025 và lên đến 50-58% vào năm 2035.

Trong khi đó, ông cho rằng chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm những nguồn năng lượng bổ sung, ổn định còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa xây dựng được chiến lược về nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài…

Việt Nam có thể phải nhập khẩu 50% năng lượng vào năm 2035 - Ảnh 1
Một dự án năng lượng tại miền Bắc. Ảnh: Phạm Thắng.

“Những diễn biến này đang có phần tác động tới mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước”, ông nhận định.

Hiện tại, nguồn cung năng lượng trong nước đang ngày càng đặt ra các thách thức. Trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt, hầu hết mỏ đã được khai thác trong thời gian dài và đang ở giai đoạn cuối với sản lượng giảm tự nhiên 15-30% mỗi năm.

Than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành nên khó cạnh tranh với các nguồn than nhập khẩu. Khai thác than và khí tự nhiên đều đối mặt với chi phí khai thác tăng cao, khả năng khai thác hạn chế, trong khi việc định giá lại chưa thực sự hợp lý. Do đó, mức độ tăng than và khí nhập khẩu trong thời gian tới sẽ là sức ép đối với tỉ lệ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu trong cung cấp năng lượng sơ cấp.

Về cung cấp xăng dầu, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ làm giảm lượng xăng dầu nhập khẩu nhưng lại tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô.

Về cung cấp điện, nguy cơ thiếu hụt cung cấp điện vẫn còn cao trong trung và dài hạn. Việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do một số nguồn điện tuy đã được khởi công xây dựng nhưng đưa vào vận hành chậm, công suất dự kiến ở mức khá thấp so với quy hoạch.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá lượng tiêu thụ năng lượng trên đầu người ở Việt Nam còn rất thấp so với thế giới nhưng cường độ năng lượng (tiêu thụ năng lượng trên GDP tính theo USD) lại gấp đôi so với chỉ số chung của thế giới và APEC. Việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng hiện nay còn nhiều bất cập.

Do đó, ông cho rằng cần coi phát triển năng lượng là trọng tâm trong các bản chính sách phát triển kinh tế - xã hội, mang tính chất chiến lược đặc biệt quan trọng.

Hiện tại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ông Bình nhấn mạnh việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết kỳ vọng sẽ tạo ra những phát triển đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.

Một trong các chính sách là thúc đẩy sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động phổ thông và tránh sử dụng lãng phí, kém hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch, chuẩn bị sẵn sàng cho bước chuyển đổi sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo.

Đây cũng chính là nội dung của diễn đàn cấp cao về năng lượng sắp diễn ra tại Hà Nội. Dự kiến có hàng trăm đại biểu gồm nhiều chính trị gia, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận về vấn đề sự dụng hiệu quả và phát triển năng lượng tại Việt Nam.

Trần Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam có thể phải nhập khẩu 50% năng lượng vào năm 2035. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.