Thứ tư, 11/09/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ ba, 12/09/2023 17:50 (GMT+7)

Việt Nam có “át chủ bài” trong cuộc đua sản xuất chất bán dẫn

Theo dõi KTMT trên

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn. Từ thực tế đó cùng trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong việc sản xuất và xuất khẩu khoáng sản.

Vị trí của Việt Nam trong “bản đồ đất hiếm” thế giới 

Theo các nhà địa chất, đất hiếm chứa 17 nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ Trái đất. Người ta dùng 17 nguyên tố đó sản xuất các linh kiện trong điện thoại, pin mặt trời, động cơ xe hơi,... Đặc biệt là đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong việc phát triển các dạng năng lượng mà không gây ô nhiễm môi trường. 

Mặc dù gọi là đất hiếm nhưng thực tế đất hiếm có sẵn khá nhiều trong tự nhiên, độ phổ biến tương đương mạ kền, thiếc, tuy nhiên không dễ khai thác và chiết tách. Hiện nay, đất hiếm là nguyên liệu chính để sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao trên thế giới điển hình là Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản.  

Việt Nam có “át chủ bài” trong cuộc đua sản xuất chất bán dẫn - Ảnh 1
Đất hiếm là nguyên liệu làm nên chất bán dẫn.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Trong đó Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm nhiều nhất thế giới với trữ lượng chiếm 37% thế giới, 70% sản lượng toàn cầu. 

Đặc biệt Việt Nam đứng hai thế giới về trữ lượng đất hiếm, khoảng 22 triệu tấn, đứng sau Trung Quốc. Xếp sau là Brazil 21 triệu tấn, Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn). 

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ, có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên. Trong đó, chúng ta đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) với trữ lượng lớn, có hàm lượng tổng REO trong quặng nguyên khai từ 0,5 đến trên 10%. 

Ngoài ra, ta còn có các mỏ đất hiếm dạng hấp thụ ion ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Mỏ đất hiếm cũng được tìm thấy ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Kon Tum, Nghệ An, Lâm Đồng. Một số quặng đất hiếm nhỏ nằm rải rác khu vực ven biển từ Quảng Ninh - Vũng Tàu.

Lai Châu có trữ lượng đất hiếm lớn, tỉnh đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm với tổng diện tích 2.779,4ha, trong đó có mỏ Đông Pao được coi là mỏ đất hiếm lớn nhất cả nước. Mỏ đã được giao cho Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu và đối tác Nhật Bản khai thác từ năm 2014. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được khai thác.  

Cơ hội rộng mở với đất hiếm của Việt Nam 

Cuộc chiến nguyên liệu về chất bán dẫn đang nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là sau khi Mỹ tiếp tục thắt chặt xuất khẩu chip cho Trung Quốc. Nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng cũng tăng cao trong thời kỳ đại dịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và buộc các nhà máy cắt giảm sản lượng. Do đó tự chủ về công nghiệp bán dẫn là vấn đề sống còn của các nền kinh tế. 

73% các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong các ngành công nghiệp trưởng thành, bao gồm thủy tinh, gốm sứ và luyện kim. Số còn lại là 27% sẽ được sử dụng để sản xuất nam châm mới, thành phần quan trọng trong xe điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng xe điện tăng lên 125 triệu vào năm 2030, trong khi đó 1 chiếc xe cần từ 1kg đến 2kg nam châm mới. 

Yêu cầu về nguyên liệu làm chất bán dẫn và sản xuất pin xe điện đẩy nhu cầu về nhập khẩu đất hiếm ngày một tăng. Ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc là quốc gia cung cấp đất hiếm hàng đầu khiến cho nhiều nước lo lắng và bắt đầu đi tìm kiếm nguồn cung mới. 

Lúc này Việt Nam với trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai. Không những thế nước ta có vị trí thuận lợi khi tiếp cận thị trường trọng điểm trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... những quốc gia nhập khẩu đất hiếm lớn.  

Khi cả thế giới cùng hướng tới tương lai năng lượng xanh thì tất yếu nhu cầu về đất hiếm tăng theo. Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. 

Việt Nam có “át chủ bài” trong cuộc đua sản xuất chất bán dẫn - Ảnh 2
Việt Nam có nhiều lợi thế nhờ có trữ lượng đất hiếm - nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn lớn thứ 2 thế giới. 

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 866 phê duyệt "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030 trong đó nói rõ Việt Nam dự kiến sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Qua đó thể hiện rõ Chính phủ đã xác định công nghiệp khai khoáng, bao gồm đất hiếm phải được ưu tiên phát triển, đưa ra các biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.  

Đến năm 2030, hoàn thành đề án thăm dò và cấp giấy phép khai thác tại các mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe. Đồng thời thăm dò, mở rộng nâng cấp giấy phép tại Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái. 

Theo Quyết định trên, đối với đất hiếm, giai đoạn từ nay đến năm 2030 hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất  Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Trả lời báo chí PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm không hề nhỏ. Đây chính là cơ hội và tiềm năng xuất khẩu loại khoáng sản đang được “truy lùng” trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên hiện nay các mỏ đất hiếm chưa được khai thác hiệu quả. 

Thực tế, Việt nam mới chỉ sản xuất thô chứ chưa phân tách các nguyên tố trong đất để gia công thành công đất hiếm tinh chất. Bên cạnh đó khai thác đất hiếm còn có nguy cơ tổn hại đến môi trường bởi trong đất hiếm có phóng xạ nên gây nguy hiểm cho công nhân và cả môi trường xung quanh. Do đó cần phải chú trọng xem xét ngay từ khâu đầu tiên - đầu tư cũng như giám sát ô nhiễm trong suốt quá trình vận hành. 

Giữa bối cảnh thế giới đang cần đất hiếm để sản xuất chất bán dẫn cũng như pin xe điện, Việt Nam với trữ lượng lớn đang có cơ hội để phát triển. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để ngành khai thác khoáng sản đạt được những thành tựu nổi bật. 

PGS.TS. Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đánh giá “Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi, giầu các dạng tài nguyên, trong đó có tài nguyên khoáng sản. Với gần 80 loại hình khoáng sản và trên 500 điểm mỏ đã được phát hiện; trong đó có nhiều loại hình quy mô trữ lượng và chất lượng tốt. Đáng chú ý là 3 loại hình quy mô rất lớn, nhưng mới khai thác thử nghiệm hoặc chưa khai thác là: đất hiếm, Titan, bauxite. Nếu được khai thác và chế biến hợp lý sẽ tạo ra giá trị thu nhập quốc dân lớn cho đất nước và sự thịnh vượng cho đất nước.

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam có “át chủ bài” trong cuộc đua sản xuất chất bán dẫn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò
Thiếu nguồn lực tài chính, kèm theo sức ép từ việc đảm bảo đời sống kinh tế cho cộng đồng sinh sống và “điểm nóng” tội phạm là những trở ngại đối với nỗ lực bảo vệ và bảo tồn rừng tại Khu bảo tồn thiên nhân Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình).

Tin mới