Chủ nhật, 24/11/2024 14:29 (GMT+7)
Thứ ba, 02/05/2023 10:30 (GMT+7)

Việc quy hoạch nhận chìm chất nạo vét tại Thừa Thiên – Huế: Đã khảo sát, tham vấn… kỹ càng

Theo dõi KTMT trên

Theo Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế, quyết định phê duyệt các khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh đã được khảo sát, đánh giá, tham vấn ý kiến Bộ TN&MT, các Bộ, ban, ngành và cộng đồng liên quan.

Thời gian gần đây, quyết định phê duyệt 2 khu nhận chìm chất thải nạo vét ngoài biển của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Bởi theo quy định, việc nhận chìm ở biển không được gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển…

Việc quy hoạch nhận chìm chất nạo vét tại Thừa Thiên – Huế: Đã khảo sát, tham vấn… kỹ càng - Ảnh 1
Bản đồ khu vực biển sử dụng để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Cụ thể, 2 khu vực được phê duyệt nằm tại vùng biển xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Khu vực 1 có diện tích 400 ha, độ sâu từ 29 m đến 34 m tính từ mức “0” hệ cao độ Quốc gia. Khu vực 2 có diện tích 400 ha, độ sâu từ 30 m đến 35 m tính từ mức “0” hệ cao độ Quốc gia.

Mỗi khu vực có sức chứa 3,4 triệu m3. Theo kết quả đánh giá, tính toán, với khối lượng nhận chìm 3,4 triệu m3 /khu vực thì sẽ không gây ảnh hưởng đến điều kiện môi trường sinh thái tại khu vực cửa sông, bãi tắm và các khu vực lân cận khác. Sức chứa tối đa của mỗi khu vực có thể tiếp nhận khoảng 10 triệu m3.

Khối lượng nhận chìm tối đa trong một ngày là 14.400 m3. Phương tiện chuyên chở là thiết bị sà lan vận chuyển chất nạo vét có trọng tải tối đa khoảng 2.000T. Thời gian tiến hành nhận chìm phù hợp nhất từ tháng IV đến tháng VIII (do điều kiện động lực trong giai đoạn này nhỏ, phù hợp cho các tàu thực hiện nạo vét và vận chuyển vật chất nạo vét đến vị trí nhận chìm).

Trong trường hợp, nếu tổng khối lượng nhận chìm chất nạo vét tại mỗi khu vực vượt quá 3,4 triệu m3, hoặc khối lượng nhận chìm trong một ngày lớn hơn 14.400 m3 trên mỗi khu vực, hoặc các thiết bị sà lan vận chuyển chất nạo vét có trọng tải lớn hơn 2.000T, thì cần nghiên cứu chi tiết hơn mức độ khuếch tán vật chất nhận chìm và biến đổi địa hình đáy khu vực nhận chìm để có giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm cũng như các khu vực lân cận.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Sở TN&MT có trách nhiệm thẩm định, trình UBND tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền cấp của UBND tỉnh. Hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quan trắc và giám sát môi trường tại các khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển theo nhiệm vụ được giao. Sau 5 năm, tổ chức khảo sát và đánh giá lại môi trường, đa dạng sinh học, phát tán, lan truyền vật chất ở khu vực nhận chìm để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh trong việc cấp giấy phép nhận chìm cho các dự án tiếp theo.

Việc quy hoạch nhận chìm chất nạo vét tại Thừa Thiên – Huế: Đã khảo sát, tham vấn… kỹ càng - Ảnh 2
Khu vực sử dụng để nhận chìm chất nạo vét nằm gần Cảng Chân Mây.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế cho biết, trước khi UBND tỉnh phê duyệt, Sở đã tiến hành các bước điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực nhận chìm theo quy định của Bộ TN&MT một cách kỹ lưỡng.

Cụ thể, ngày 24/2/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt Đề cương Nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Trong quá trình thực hiện, Sở TN&MT tỉnh cũng đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng…, các sở ban ngành ở tỉnh, các địa phương và cộng đồng dân cư. Khu vực nhận chìm phải đảm bảo các yếu tố như không có chứa chất phóng xạ, chất độc vượt tiêu chuẩn…

Trên cơ sở tham vấn, ý kiến đồng ý của các Bộ, ban ngành Trung ương, ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án cũng như ý kiến tham mưu đề xuất của Sở TN&MT tỉnh và trải qua 2 hội đồng thẩm định, ngày 23/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định phê duyệt khu vực nhận chìm.

“Tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chìm chất nạo vét tại các khu vực nêu trên phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo đúng quy định và chỉ được thực hiện nhận chìm khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và các quy định có liên quan khác. Tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật có liên quan khi thực hiện việc nhận chìm chất nạo vét ngoài biển; nhận chìm đúng vị trí, chủng loại, khối lượng được cấp có thẩm quyền cho phép; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố, vi phạm pháp luật trong hoạt động nạo vét, nhận chìm theo quy định của pháp luật”, ông Đặng Phước Bình thông tin.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề môi trường, để triển khai vấn đề này, tỉnh đã làm rất kỹ lưỡng và chặt chẽ theo các nguyên tắc, quy định…

“Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở TN&MT và chủ đầu tư thường xuyên có các đánh giá, báo cáo, thông tin đến người dân, cộng đồng được biết và nắm rõ. Tất nhiên trước đó chúng ta đã tính toán, thảo luận, nghiên cứu kỹ, đảm bảo không tác động đến môi trường sống và cuộc sống người dân…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết Việc quy hoạch nhận chìm chất nạo vét tại Thừa Thiên – Huế: Đã khảo sát, tham vấn… kỹ càng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới