Thứ bảy, 20/04/2024 11:24 (GMT+7)
Thứ ba, 15/11/2022 13:26 (GMT+7)

VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về dự án mỏ sắt Thạch Khê

Theo dõi KTMT trên

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, VIASEE kiến nghị cần khắc phục các hạn chế, thiếu sót của Dự án điều chỉnh làm cơ sở để quyết định việc tiếp tục hay dừng Dự án.

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) vừa có văn bản số 10/CV-KTMTVN/2022 ngày 18/10/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Bộ ngành về một số vấn đề liên quan đến Dự án mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh).

Trong văn bản, VIASEE cho biết, mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng tài nguyên khoáng sản khoảng 540 triệu tấn là mỏ sắt lớn nhất của nước ta và khu vực Đông Nam Á, chiếm khoảng 0,67% trữ lượng quặng sắt được thăm dò và nếu khai thác sẽ là 1 trong 10 mỏ khai thác lộ thiên sâu nhất trên Thế giới. Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê Hà Tĩnh (sau đây gọi là Dự án) được triển khai năm 2008 và dừng khai thác năm 2011.

VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về dự án mỏ sắt Thạch Khê - Ảnh 1
Mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. 

Ngày 10/02/2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư Dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê Hà Tĩnh, hoàn thành trước năm 2030.

Trong chuyến thị sát và làm việc tại Hà Tĩnh ngày11/06/2022 về Dự án, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai Dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi”.

Căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp theo Báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2017 về Dự án, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành có liên quan tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa tại mỏ sắt Thạch Khê, làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức của Hà Tĩnh.

Theo VIASEE, trước khi gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đã tổ chức Hội thảo khoa học “DỰ ÁN MỎ SẮT THẠCH KHÊ HÀ TĨNH - TIẾP TỤC HAY DỪNG KHAI THÁC?” vào ngày 23/9/2022. Mục đích của Hội thảo là làm rõ hơn cơ sở khoa học của việc tiếp tục hay dừng Dự án. Tham gia Hội thảo có đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ, đại diện UBND tỉnh và Hội Khoa học kinh tế Hà Tĩnh, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam và Chủ đầu tư Dự án là Công ty cổ phần sắt Thạch Khê, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, với hơn 60 đại biểu, trong đó có 8 Giáo sư và 13 Phó Giáo sư.

VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về dự án mỏ sắt Thạch Khê - Ảnh 2
Hội thảo Khoa học “DỰ ÁN MỎ SẮT THẠCH KHÊ HÀ TĨNH - TIẾP TỤC HAY DỪNG KHAI THÁC?” do Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức vào ngày 23/9/2022.

“Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, làm việc, kết quả Hội thảo, tham vấn ý kiến các bên về Dự án, VIASEE nhận thấy, còn nhiều điểm chưa chính xác và chưa được làm rõ trong Hồ sơ Dự án của Chủ đầu tư: Báo cáo khả thi, Thiết kế kỹ thuật và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án điều chỉnh đã được các Hội đồng thẩm định thông qua năm 2013 không có đối tác Nga tham gia (nhưng trong Hồ sơ lại ghi có đối tác Nga tham gia); vấn đề nghiên cứu, thăm dò nước ngầm và caster ở độ sâu (dưới -145m đến - 550 m) chưa được triển khai khi lập các báo cáo này”, Văn bản của VIASEE khẳng định.

Ngoài ra, văn bản của VIASEE gửi Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc Chủ đầu tư đã không minh bạch khi lấy số liệu mô hình giả định về nước ngầm của đối tác Nga trong Dự án ban đầu để đưa vào Dự án điều chỉnh là sai phạm; nhiều tai biến, rủi ro và sự cố môi trường tiềm ẩn trong quá trình khai thác chưa được phân tích, đánh giá và có giải pháp phòng ngừa; giá trị và phương án sử dụng tài nguyên khoáng sản đi kèm (cát, đất sét và đá vôi) chưa được trình bày đầy đủ trong Hồ sơ của Dự án. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến năng lực chủ đầu tư; việc điều chỉnh dự án cần phải làm rõ.

Văn bản của VIASEE nêu rõ: “Hiện vẫn còn 3 luồng ý kiến khác nhau về Dự án: (1) Dừng hẳn Dự án, để dành tài nguyên khoáng sản cho thế hệ tương lai, trong đó có ý kiến đại diện tỉnh Hà Tĩnh; (2) Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Nhà đầu tư, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ đề nghị cho tiếp tục triển khai Dự án; (3) Cần lập, thẩm định và phê duyệt lại Báo cáo khả thi, Thiết kế kỹ thuật và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án”.

Từ những căn cứ này, VIASEE đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ 3 vấn đề. Trong đó, VIASEE cho rằng, cần lập, thẩm định và phê duyệt lại Báo cáo khả thi, Thiết kế kỹ thuật và Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; khắc phục các hạn chế, thiếu sót của Dự án điều chỉnh làm cơ sở để quyết định việc tiếp tục hay dừng Dự án.

VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo và các Hội đồng khoa học chuyên ngành, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học độc lập để khẩn trương triển khai nghiên cứu, đánh giá lại Dự án.

Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài phản biện "Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê dưới góc nhìn kinh tế môi trường". Tuyến bài nêu lên thực trạng, góc nhìn toàn cảnh Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Đồng thời, đăng tải những ý kiến phân tích, đánh giá chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học về Dự án này.

BAN BIÊN TẬP

Bạn đang đọc bài viết VIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về dự án mỏ sắt Thạch Khê. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới