Thứ bảy, 07/09/2024 20:30 (GMT+7)
Thứ tư, 17/08/2022 17:10 (GMT+7)

Vì sao xử lý rác thải vẫn là một bài toán khó hiện nay?

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải đang tạo ra nhiều thách thức khi Việt Nam chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp và việc hiện thực hóa phương châm “rác là tài nguyên” vẫn tiếp tục khó khăn.

Chôn lấp vẫn là phương thức xử lý chủ yếu 

Thu gom, xử lý rác thải đã từ lâu trở thành một vấn đề quan trọng tại các đô thị. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới. Khoảng 70% lượng rác thải đang xử lý theo hình thức chôn lấp và chỉ có 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác thu được nước thải rác. 

Thêm vào đó, lượng rác thải rắn thu gom đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2015-2019, từ mức 32.400 tấn/ngày lên 65.000 tấn/ngày; trong đó tới hơn 50% đến từ các đô thị.

Nếu chỉ tính 5 thành phố trực thuộc trung ương, gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, tổng lượng rác thải đô thị đã chiếm tới 40%. Riêng Hà Nội và TP.HCM thải ra 16.000 tấn rác mỗi ngày, tương đương 33,6% cả nước.

Theo các chuyên gia, chất thải rắn đang tạo ra nhiều thách thức trong quản lý khi Việt Nam chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp và việc hiện thực hóa phương châm “rác là tài nguyên” vẫn tiếp tục khó khăn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng đang là các nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ chất thải gia tăng.

Trước sức ép thiếu diện tích chôn lấp rác thải theo phương pháp cũ, thì việc áp dụng công nghệ nhiệt nhằm biến khối lượng rác thải rắn sinh hoạt cực lớn tại các đô thị thành khí đang là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo việc xây dựng lò đốt rác thải cần áp dụng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật nhằm tránh khả năng phát thải khí độc vào môi trường.

Vì sao xử lý rác thải vẫn là một bài toán khó hiện nay? - Ảnh 1
Tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng đang là các nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ chất thải gia tăng.

Tuy nhiên, phương thức quản lý và xử lý rác thải áp dụng hiện nay còn khá hạn chế, các công nghệ xử lý rác thải rắn, nhất là công nghệ phát điện từ rác, còn gặp nhiều thách thức, khiến phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay vẫn là chôn lấp.

Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, Việt Nam có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, có 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp.

Với tỷ lệ rác thải, có tới 71% lượng chất thải rắn thu gom được xử lý bằng chôn lấp. Chỉ có 16% lượng thu gom được xử lý bằng ủ compost và 13% lượng thu gom được xử lý bằng phương pháp đốt.

Phân loại tại nguồn để biến “rác thành tài nguyên”

Xử lý rác thải đang là vấn đề ngày càng lớn của các các nhà quản lý. Trong những năm trở lại đây, công nghệ đốt rác không phát điện là một hướng đi được nhắc tới khá nhiều. Có 2 nhà máy xử lý rác theo công nghệ này được xây dựng ở Cần Thơ và Hà Nội, nhưng sau khi vận hành phát thử, kết quả cho thấy công nghệ này vẫn gây ô nhiễm. Đốt rác không phát điện bước đầu mới chỉ làm sạch rác dưới đất, nhưng đẩy ô nhiễm lên bầu không khí.

Theo bà Trần Hải Anh, chuyên gia tư vấn cao cấp về môi trường, hiện nay có nhiều phương pháp để xử lý chất thải rắn đang được các nước áp dụng gồm công nghệ xử lý chất thải hỗn hợp; đồng đốt trong lò xi măng; phương pháp thủy phân nhiệt xử lý bùn cống; sử dụng vi khuẩn xử lý rác hữu cơ theo công nghệ của Hyperthermics; khí sinh học cho các hộ gia đình chăn nuôi; sử dụng giun quế, ruồi lính đen xử lý chất thải hữu cơ.

Tuy nhiên, công nghệ không phải yếu tố quyết định, đó chỉ là một phần của chu trình xử lý rác thải. Điều quan trọng là tính chất của rác thải và nhu cầu của người dân, nhà đầu tư. Do đó việc phân loại rác tại nguồn là rất cần thiết, từ đó mới lựa chọn công nghệ xử lý khả thi về mặt kinh tế.

Trong khi đó, để có thể tăng tỷ lệ xử lý rác thải, theo chuyên gia tư vấn cao cấp về môi trường, Việt Nam có thể tích hợp nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn; quy hoạch nhà máy xử lý rác theo tiềm năng nhằm có được đủ trữ lượng đầu vào cung cấp cho các nhà máy xử lý rác. Cùng với đó, quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo địa bàn theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; có quy định cụ thể về việc thu gom chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Ông Hans Breukelman, Giám đốc Công ty BreAd, thành viên của Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế chia sẻ: “Không có công nghệ nào là ‘liều thuốc tiên” cho xử lý rác thải, mà sẽ cần tới giải pháp riêng cho từng vùng. Đây là vấn đề cần sự hợp tác của nhiều bên: chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân. Kèm theo đó, Việt Nam cần có dữ liệu về lượng rác thải sinh hoạt, rác thải rắn tại từng khu vực làm cơ sở tham chiếu cho các nhà đầu tư”.

Mới đây, Nghị định 45 quy định cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo, phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, trung tâm thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng... Đây là những vi phạm thường ngày đáng bị lên án cũng như có chế tài xử phạt.

Đáng chú ý, Nghị định 45 bổ sung quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Cụ thể, Khoản 1, Điều 26, Nghị định 45 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt nguồn là cần thiết. Việc phân loại nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp… 

Theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013, đến hết 2019, Việt Nam phải xây dựng được 229 cơ sở xử lý rác, nhưng tới cuối năm 2021, mới chỉ 85% số cơ sở được hoàn thành, tức là còn tới 65 cơ sở vẫn đang trong quá trình xây dựng; trong đó gồm 31 bãi chôn lấp.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh: “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp… là mục tiêu tiên quyết mà Chính phủ quán triệt trong mọi lĩnh vực, cũng như cam kết quốc tế. Quy định nhiệt độ vùng đốt thứ cấp đối với lò đốt rác thải rắn sinh hoạt hiện nay cần phải được sửa đổi, nhằm tránh những hệ lụy về ô nhiễm không khí không đáng có trong tương lai”. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao xử lý rác thải vẫn là một bài toán khó hiện nay?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.