Thứ sáu, 19/04/2024 20:56 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 06:27 (GMT+7)

Vì sao nên dọn dẹp ban thờ ngày 23 tháng Chạp?

Theo dõi KTMT trên

Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và phong tục của từng vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo sẽ được tổ chức theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều mang một sự tôn kính, trang trọng và thể hiện được lòng thành của gia chủ.

Có nhiều câu chuyện kể về tục cúng ông Công, ông Táo nhưng có lẽ trong tâm thức của người Việt, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là vị thần trông coi chuyện bếp núc.

Đây là những vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép những việc diễn ra trong năm và đến ngày 23 tháng Chạp, các thần sẽ cưỡi cá chép lên chầu thiên đình, báo cáo công việc của gia chủ. Cũng vì quan niệm đó mà với người Việt, ông Công, ông Táo là những vị thần định đoạt điềm may, điềm rủi cho gia đình. Lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm đã trở thành một nghi thức không thể thiếu của phần lớn các gia đình người Việt.

Vì sao nên dọn dẹp ban thờ ngày 23 tháng Chạp? - Ảnh 1
Lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm đã trở thành một nghi thức không thể thiếu. (Ảnh minh họa)

Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và phong tục của từng vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo sẽ được tổ chức theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều mang một sự tôn kính, trang trọng và thể hiện được lòng thành của gia chủ.

Thông thường, mâm lễ cúng tiễn các vị thần về chầu thiên đình sẽ có hương thơm, nến, vàng mã, hoa tươi, mâm ngũ quả. Gia đình nào có điều kiện thì có thể chuẩn bị mâm lễ mặn, mâm chay với đầy đủ xôi, gà, nem giò, canh măng miến...

Và để chuẩn bị “phương tiện” đi lại cho các vị thần, người dân cũng không quên cúng lễ vật mô phỏng hình cá chép hoặc phóng sinh cá chép. Phóng sinh cá chép ngày tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn thể hiện sự từ bi, hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và văn hóa phương Đông cho biết cùng ngày cúng ông Công ông Táo, các gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp, bao sái nơi thờ tự. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao không dọn dẹp trước?

Ông Tuệ cho rằng, nơi thờ tự là chốn tôn nghiêm, linh thiêng, hằng ngày các vị thần vẫn còn ngự ở trên đó, nên gia chủ thường không làm. Đến ngày 23 tháng Chạp, khi các vị thần đi chầu trời, người dân mới tiến hành dọn dẹp.

Theo vị chuyên gia này, việc dọn dẹp nơi thờ tự nên tiến hành sau lễ cúng ngày 23/12. Các thủ tục bao gồm rút bớt chân nhang lau chùi ban thờ, các vật dụng thờ tự. Tất cả các việc làm này không có gì phức tạp, mọi người chỉ cần cố gắng làm một cách cẩn thận, tránh đổ vỡ là được.

Vì sao nên dọn dẹp ban thờ ngày 23 tháng Chạp? - Ảnh 2
Ngày cúng ông Công ông Táo, các gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp, bao sái nơi thờ tự. (Ảnh minh họa)

“Khi thực hiện phải dùng khăn sạch, có thể dùng nước thơm để tỏ lòng thành kính với đấng tôn nghiêm. Một số vùng miền cũng ra mộ thắp hương cho tổ tiên trong ngày này để cầu an.

Khi rút chân nhang cần làm thật cẩn thận, rút từng ít một và để lại một ít chân nhang cũ chứ không rút sạch. Có một vấn đề hết sức quan trọng khi rút chân nhang, đó là khi dọn dẹp mọi người thường bỏ bớt tro trong bát hương thay tro mới.

Khi thay, cần hết sức lưu ý vì một số nơi đặt bài vị của các vị tổ tiên, thần linh vào lòng bát hương, đó còn gọi là “cốt” bát hương. Quá trình dọn dẹp nếu không chú ý đổ mất bài vị này thì rất “dở”. Có thể mang lại điềm “gở” và việc làm lại thủ tục rất phức tạp”, chuyên gia Trọng Tuệ lưu ý.

Đối với thủ tục cúng lễ, theo ông Tuệ, tùy mỗi vùng miền sẽ có thủ tục khác nhau, nhưng vẫn có những thủ tục không thể thiếu. Đó là chuẩn bị một tờ sớ, trong đó ghi tên tuổi các thành viên gia đình, các mong muốn trong năm mới để nhờ các vị thần tiên lên tấu biểu với các vị thần ở cấp cao hơn.

Ngoài tờ sớ, theo định lệ dân gian thì sẽ có cúng cá chép. Lý do là vì cá chép là một linh vật có thể “hóa rồng” và đưa được các vị Táo quân lên trời. Cùng với cá chép là các vật phẩm kèm theo như chân hài, mũ áo để các vị có hành trang lên thiên đình.

Nguyễn Linh(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nên dọn dẹp ban thờ ngày 23 tháng Chạp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .